10 năm sau khi Hà Nội được mở rộng lên gấp 3,6 lần diện tích trước đó, dường như xu hướng ly tâm đến giờ mới thực sự “ngấm” tới vùng ven.
Trong đánh giá mới đây, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đô thị hóa một cách nhanh chóng. Quá trình đô thị hóa sẽ là một phần quan trọng trong tương lai của Việt Nam, việc đảm bảo có các thành phố dễ sống, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu sẽ là một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
10 trước, từ những khu vùng ven nội đô như sân vận động Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), đường 5 (Long Biên) chứ chưa cần nói đến những huyện bên ngoài, trong mắt nhìn của mọi người, đường chân trời chỉ là những dãy nhà thấp tầng, cánh đồng, thì nay, hầu như đứng ở đâu của các quận, huyện của Thủ đô (với bán kính khoảng 15 km tính từ hồ Hoàn Kiếm), đường chân trời đã thay thế bằng các tòa cao ốc, chung cư và văn phòng…
Đó có lẽ là sự khác biệt rõ nét nhất, dễ nhận thấy nhất với mỗi người khi chứng kiến sự thay đổi của Hà Nội.
Năm 2009, nguồn cung căn hộ, một phân khúc quan trọng của thị trường bất động sản Hà Nội chỉ là 84.000 căn, thì sau 10 năm, con số này đã tăng vọt lên 317.500 căn. Hai số liệu thống kê trước/sau 10 năm dường như cũng nói lên nhiều điều.
Nhưng không chỉ có thế. Trước đây, trung tâm luôn có một sức hấp dẫn lớn với các chủ đầu tư địa ốc, người dân và việc rời khỏi khu vực nội thành để phát triển dự án là điều khá lạ lẫm.
Hiện nay, điều này vẫn đúng, nhưng có điều là làn sóng đô thị hóa nhanh chóng vào loại số 1 khu vực đã khiến Hà Nội nhanh chóng hết quỹ đất trung tâm. Và như một lẽ tất yếu, các dự án bị đẩy ra xa khu trung tâm là điều dễ hiểu. Thậm chí, hiệu ứng tích cực của đô thị hóa còn làm hồi sinh cả các khu đô thị ma vốn nằm đắp chiếu nhiều năm.
Nếu nhìn vào xu hướng phát triển đô thị chung, thì có thể thấy, dù Hà Nội có hay không mở rộng địa giới hành chính, thì xu hướng vết dầu loang cũng sẽ diễn ra, vì đó là xu hướng tất yếu khi nguồn quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp. Sự thực điều này đã diễn ra âm thầm trong những năm qua, nhưng sự dịch chuyển rõ nét nhất dường như lại chỉ bắt đầu trong khoảng 1 – 2 năm trở lại đây.
Trao đổi với người viết, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cũng cho rằng, xu hướng ly tâm đang được thể hiện rõ rệt ở thị trường Thủ đô. Đây cũng là xu hướng đô thị hóa tại Việt Nam khi mà người dân và khách thuê chấp nhận mua/thuê xa hơn để có được mật độ thấp.
Thời gian tới, nguồn cung tương lai chủ yếu đến từ các dự án đô thị lớn, siêu lớn ở ngoại ô. Không chỉ phía Tây, các dự án sẽ “vượt sông” và dịch chuyển sang cả phía Đông bởi khu vực này có khả năng kết nối tốt.
Hàng loạt huyện của Hà Nội (vốn thuộc tỉnh Hà Tây cũ) cũng đang có kế hoạch trở mình, lột xác để lên quận. Và ở xứ ta, doanh nghiệp bất động sản luôn nằm trong nhóm nhạy cảm, nhanh nhẹn và có tầm nhìn nhất về quy hoạch. Hàng loạt dự án lớn đã, đang và sẽ tiếp tục chạy ra vùng ven, ra các huyện ngoại thành và thậm chí, cả với các địa phương lân cận đang minh chứng cho điều này.
Nhìn nhận về diễn biến thị trường thời gian qua và dự báo xu hướng của những năm tiếp theo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phú Quý Land cho rằng, các nhà đầu tư hiện nay ngày càng có nhiều hơn kinh nghiệm thị trường và phát triển sản phẩm.
Các khu vực có hạ tầng tốt sẽ được ưu tiên để phát triển dự án. Hiện nhiều khu vực ven đô đã đáp ứng tốt điều này. Ngoài ra, do mức đầu tư còn thấp, nên cũng lôi kéo được số đông nhà đầu tư tham gia thị trường.
Thông thường, các xu hướng của bất động sản Hà Nội thường đi sau TP.HCM 1 – 2 năm. Nếu logic này tiếp tục đúng, và thực tế có nhiều cơ sở để điều này xảy ra, năm 2019 sẽ là năm của bất động sản ven đô Hà Nội.
Theo ĐTBĐS