Thời gian gần đây, kênh đầu tư BĐS đang “chia lửa” với kênh đầu tư vàng. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã chuyển dòng tiền của mình sang vàng khi kênh này liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian ngắn. Trong dài hạn, kênh đầu tư nào mới thực sự đem lại lợi nhuận ổn định cho NĐT?
Chia sẻ tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam đã có những phân tích về các kênh mà NĐT có thể cân nhắc để “bỏ tiền” vào.
Theo ông Thành, khi đầu tư thường nhìn vào yếu tố trượt giá của đồng tiền. Gửi tiền ngân hàng bao giờ cũng bị mất giá.
“Vậy tại sao tôi lại thích đầu tư BĐS vì tôi có niềm tin sắt đá về giá BĐS không xuống, trừ một số dự án chung cư không được quản lý, bảo trì tốt. Trong khi đó, vàng lên xuống theo thời điểm. Tại sao tôi chấp nhận đầu tư BĐS dù lãi suất cho thuê khoảng chỉ 4.5%, bởi tôi rằng giá nó không xuống mà chỉ có lên”, ông Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, nếu đặt bàn cân thì lợi suất sinh lời của BĐS đạt được như kì vọng.
“Tôi ví dụ bây giờ tôi gửi tiền ngân hàng dài hạn tôi được 7% nhưng thực chất tiền của tôi sẽ mất giá, như năm trước sẽ là 5% còn năm nay là 3%. Như vậy, thực chất lợi suất của tôi khi gửi ngân hàng chỉ là 4% do trượt giá mà chúng ta không nhìn thấy được. Nhưng mà gửi ngân hàng thì tôi được lợi là gần như rủi ro bằng 0, chắc chắn tôi không mất tiền. Nếu tôi đầu tư BĐS tiền thuê mỗi năm khoảng được 4%, và giá trị BĐS tăng mỗi năm khoảng 5% nữa thì tôi được khoảng 10%. Đầu tư BĐS thì có thể xảy ra rủi ro hơn gửi tiết kiệm. Nhưng, căn cứ giữa 4% với 10% thì có xứng đáng để tôi chấp nhận rủi ro để hưởng lơi suất hay không?”, ông Thành phân tích.
Còn nếu đầu tư vào vàng thì dài hạn có thể nó tăng nhưng mà chỉ cần một tin về dịch bệnh được kiểm soát được là mặt bằng giá vàng giảm xuống, ngày hôm sau lại bùng phát thì giá vàng lại đột ngột tăng. Nếu như vậy đầu tư vào vàng thì kỳ vọng ít nhất là 20% thì mới nên chấp nhận đầu tư.
Phân tích thêm giữa kênh chứng khoán và BĐS, vị chuyên gia này đánh giá, nếu nhìn vào 2 kênh này đều phải nhìn từ 2 phía. Về thị trường chứng khoán tính tiêu cực tác động của Covid sẽ làm lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ giảm nhưng có thể tăng lên vào năm sau. Vấn đề là niềm tin của nhà đầu tư đặt vào đó căn cứ vào lợi nhuận kỳ vọng vào các doanh nghiệp mà nhà đầu tư quyết định mua hay không. Thứ hai, phải xem xu hướng của các quỹ đầu tư nước ngoài, họ lạc quan hay bi quan. Nếu mình mua vào mà họ bán ra thì giá chứng khoán khó tăng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư trong nước hiện nay số lượng sẽ ngày một tăng lên để mua BĐS hay chứng khoán sẽ là tầng lớp trung lưu cấp trên ở Việt Nam hiện nay số lượng ngày một tăng lên. Cho đến thời điểm hiện nay họ chưa bị tác động nặng nề bởi covid.
“Tóm lại tùy mức lãi suất kỳ vọng như thế nào mà nhà đầu tư có chấp nhận đánh đổi với rủi ro tương ứng hay không”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Đại học Văn Lang cho rằng, về tài chính cá nhân, Covid là cơ hội để mọi người nhìn lại và cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Trước đây chỉ có vàng, chứng khoán, bất động sản, hiện nay có thêm tiền ảo, trái phiếu, nếu nhìn như vậy, cơ hội mua BĐS giá rẻ, công ty giá rẻ, tài sản giá rẻ đang hiện hữu. Vấn đề nhà đầu tư phải xác định tầm nhìn ngắn hạn hay dài hạn.
Hồi tháng 3/2020 nhiều NĐT còn băn khoăn nhưng giờ chính phủ đang kiểm soát tốt, hệ thống y tế cũng phản ứng tốt, chính sách vi mô đến vĩ mô ổn định định. Vì vậy, mỗi kênh đầu tư đều có dư địa của nó, nên nhà đầu tư cá nhân chọn kênh nào để hợp khẩu vị của mình.
Còn TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS còn nhiều dư địa để phát triển. Rõ ràng khó khăn do ảnh hưởng của dịch là có thật nhưng vị chuyên gia này khẳng định, cơ hội đầu tư vào BĐS đang hiện hữu rõ nét trên thị trường địa ốc.
“Ngay ở thời điểm này, các nhà đầu tư rất quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư với BĐS. Trước sự khủng hoảng, các nhà đầu tư có những thương vụ 300 – 400 triệu USD, họ quyết tâm thực hiện vì họ nghĩ câu chuyện làm BĐS Việt Nam phải trải qua nhiều năm. Còn đối với NĐT trong nước, họ cũng đang đi tìm cơ hội đầu tư vì họ biết rằng khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Đây là cơ hội mà các nhà đầu tư có sân chơi lớn nhất so với thời điểm 2009-2010, thời điểm đó rất khó tham gia vào thị trường. Hiện tại, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là 3 nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào thị trường Việt Nam”, TS Khương khẳng định.
>> Đầu tư BĐS như thế nào để hiệu quả trong thời dịch Covid
Theo Cafef