Theo báo cáo của TP.HCM, để triển khai các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2016-2020, TP.HCM cần hơn 73.400 tỉ đồng nhưng ngân sách thành phố chỉ có thể bố trí hơn 16.300 tỉ đồng, còn lại cần kêu gọi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho rằng tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như lượng mưa tăng, đỉnh triều cường luôn duy trì trên mức báo động, sạt lở ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống thoát nước của TP.HCM chỉ đáp ứng 60%, nhiều tuyến đường thiếu hệ thống thoát nước.
Đến nay TP.HCM mới hoàn thành ba dự án cải tạo kênh rạch, xây dựng ba nhà máy xử lý nước thải, làm cống thoát nước được hơn 4.100 km trong tổng số 6.000 km cần xây dựng, xây dựng 64 km đê bao ven sông Sài Gòn để chống ngập trong khi đê bao ven sông cần xây dựng lên đến 149 km.
Các nhà khoa học tại Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn TP.HCM, diễn ra hôm qua (9/8), cho biết tình trạng ngập của thành phố là năm sau lại ngập hơn năm trước và chống ngập rồi lại tái ngập.
Mặt khác, mỗi năm đều xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới. Nguyên nhân là do các giải pháp, dự án chống ngập do triều đang được thành phố triển khai chưa được nghiên cứu kỹ, kinh phí quá cao và thời gian thực hiện quá dài.
Các chuyên gia quy hoạch cho rằng nếu như thành phố không có một chiến lược mang tính đột phá và những giải pháp thực thi đồng bộ thì với tốc độ biến đổi khí hậu ngày một phức tạp như hiện nay, trong tương lai không xa TP.HCM sẽ dần chìm trong nước, không khác gì thành phố Bangkok của Thái Lan.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho rằng dân số thành phố đang tăng nhanh gây áp lực lên hạ tầng cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập. Trong khi đó, các quy hoạch như: thủy lợi, cấp thoát nước chưa kết nối được với quy hoạch chung của TP.HCM dẫn tới tình trạng phối hợp không đồng bộ, kết nối không đồng bộ cũng là nguyên nhân gây ngập.
Từ đây, lãnh đạo TP.HCM cho biết để chống ngập hiệu quả thì cần phải có một nhạc trưởng đóng vai trò kết nối các quy hoạch lại với nhau. Trước thực trạng trên, tại hội nghị này TP.HCM đã công bố danh mục các dự án chống ngập cấp bách được kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới.
Theo đó, có 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải: Lưu vực Tây Sài Gòn với tổng mức đầu tư 7.700 tỉ đồng; lưu vực Bình Tân: 9.804 tỉ đồng; lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm: 6.395 tỉ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 1: 5.544 tỉ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 2: 5.100 tỉ đồng; lưu vực rạch Cầu Dừa: 5.000 tỉ đồng; lưu vực Tây Bắc: 6.000 tỉ đồng.
6 dự án nạo vét, cải tạo các tuyến kênh rạch: Xây dựng bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Chợ Đệm: 8.825 tỉ đồng; xây dựng hệ thống thoát nước và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm: 1.097 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào: 522 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé: 1.250 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Thầy Tiêu: 1.789 tỉ đồng; cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình: 6.184 tỉ đồng.
3 dự án xây đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP.HCM:Cống kiểm soát triều sông Kinh: 1.200 tỉ đồng; cống kiểm soát triều rạch Tra: 1.122 tỉ đồng; đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đoạn còn lại: 3.400 tỉ đồng.
Theo Trí thức trẻ