Theo báo cáo của JLL Việt Nam về dòng vốn FDI 10 năm qua, tính đến hết năm 2017 tổng vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 318,72 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt 53,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, lượng FDI vào Việt Nam trong ba năm gần đây (2015-17) không ngừng tăng so với giai đoạn giảm liên tiếp 2010-13 và phần lớn vốn được triển khai vào các dự án.
Ngược lại, giai đoạn 2005-2008 có những chuyển biến mạnh mẽ, lượng đầu tư nước ngoài năm 2007 cao gấp ba lần năm 2005, trong khi đó, năm 2008 đón nhận lượng vốn kỷ lục với 72 tỷ USD, tăng gần gấp bốn lần so với năm trước đó. Mặc dù cao gấp sáu lần so với năm 2005 nhưng phần lớn dòng vốn đăng kí vào năm 2008 không được triển khai vào các dự án, chỉ cao hơn 10% so với năm 2005.
Dòng vốn này chưa bao giờ được giải ngân đầy đủ. Do đó, FDI trong những năm gần đây là nhắm đến các dự án thực tế được cam kết triển khai hơn là nắm giữ để thu hút các đối tác đầu tư.
Trong nhiều năm qua, ngành sản xuất – chế biến và chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút được lượng FDI nhiều nhất trong tỷ trọng đầu tư FDI vào Việt Nam, BĐS thường đứng ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba.
Dẫn đầu là các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan và Trung Quốc; chiếm 73,9% trong tổng FDI của tất cả các ngành công nghiệp bao gồm BĐS.
Tiếp theo là các nước khu vực châu Âu với 15,2% . Phần lớn họ đầu tư “gián tiếp” thông qua việc cung cấp các dịch vụ liên quan như thiết kế, điện tử, gia dụng, nội thất, v.v. Tuy nhiên, với nhu cầu mở rộng đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu này cũng đang gia tăng nhu cầu đầu tư trực tiếp vào BĐS thương mại thông qua việc sở hữu các tòa nhà làm trụ sở văn phòng hoặc phòng trưng bày, triển lãm tại các khu vực ngoài trung tâm.
Nhà đầu tư Mỹ cũng nắm vai trò quan trọngvới vị trí thứ ba trong tổng vốn đầu tư FDI tại thị trường Việt Nam. Mặc dù không có thống kê chính thức về vốn FDI đầu tư vào BĐS từ các quốc gia, có thể thấy rằng, nhà đầu tư khu vực châu Mỹ hiện đang rất năng động.
Trong đó, điển hình là quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus có trụ sở tại New York, đã cam kết rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam, phần lớn dòng vốn này đã được phân bổ đầu tư vào các danh mục BĐS bao gồm thương mại, khách sạn, và công nghiệp.
Theo Nhịp sống kinh tế