Đà Nẵng và Hội An từng được kết nối thủy lộ qua sông Cổ Cò. Nhiều kỳ vọng khi dòng sông bị bồi lấp hơn một thế kỷ qua sắp được khai thông trở lại.
Với nhiều lợi ích, hai địa phương đang tính toán, đầu tư để tận dụng cơ hội phát triển.
Kết nối các điểm đến quan trọng
Hiện nay, muốn khai thác đường sông từ Hội An ra Đà Nẵng phải theo dòng sông Vĩnh Điện với chiều dài gấp 3 lần dòng Cổ Cò xưa.
Đó là lý thuyết, còn thực tế dòng sông này đã có đập ngăn mặn, thuyền không thể qua lại.
Ông Trần Văn Khoa – giám đốc Công ty du lịch Jack Trần Tours, đơn vị chuyên khai thác du lịch tuyến đường sông ở Hội An – mong mỏi một ngày “con đường tơ lụa” qua sông Cổ Cò nối Hội An – Đà Nẵng sẽ thành hiện thực, bởi đây là một tiềm năng vô cùng to lớn để phát triển du lịch đường thủy.
“Sẽ là cơ hội lớn để làm các tour du lịch sinh thái trải nghiệm ven sông bởi phong cảnh hiện nay tại hai bờ có nhiều điểm rất đẹp.
Đây chắc chắn là tuyến độc nhất vô nhị làm khách thích thú” – ông Khoa nhận định vì dòng sông này sẽ đi qua “khung cảnh Nam Bộ” trong rừng dừa Bẩy Mẫu ở Hội An.
Du khách cũng có thể ghé dừng chân làm nông dân với vườn rau Trà Quế. Những người quan tâm còn có thể ghé thăm những sân golf đẳng cấp nhất thế giới.
Khi ra tới Đà Nẵng, du khách dễ dàng lựa chọn để dừng chân ở bến thuyền bên ngọn núi Kim Sơn, từ đó thưởng ngoạn núi Non Nước hoặc ghé thăm khu di tích cách mạng căn cứ K20.
Nhiều dự tính cho dòng sông
Dự án khơi thông sông Cổ Cò có tổng chiều dài khoảng 20km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Quảng Nam có chiều dài khoảng 11km.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết hai năm qua, chủ trương của tỉnh là cho phép một số nhà đầu tư phát triển đô thị ven sông có thể hút cát dưới lòng sông này để phục vụ san lấp và giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8-2019 sẽ chấm dứt việc này, việc đầu tư nạo vét lòng sông chuyển giao cho Nhà nước.
“Định hướng đầu tư 3 điểm ghé chân dọc sông này tại khu vực rừng dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế (Hội An) và một khu vực tại Điện Dương (Điện Bàn).
Bên cạnh đó, ngoài 2 cây cầu đã có, chúng tôi dự kiến làm thêm những điểm nhấn kiến trúc trên 6 cây cầu mới” – ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc Ban quản lý dự án các công trình NN&PTNT Đà Nẵng, cho biết hiện nay việc nạo hút lòng sông Cổ Cò (qua địa phận Đà Nẵng) còn khối lượng khoảng 150.000m3 với chiều dài khoảng 100m.
Trong kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa TP Đà Nẵng, tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn trên sông Cổ Cò sẽ được đầu tư phát triển các dịch vụ tại điểm đến di tích cách mạng K20 gồm khu vực nhà chờ, khu mua sắm, khu ẩm thực, khu trải nghiệm nghề làm nông.
Thời gian thực hiện dự kiến đầu tư vào quý 3-2019 và những năm tiếp theo.
Theo ông Lê Trí Thanh, sông Cổ Cò chảy theo hướng nam – bắc nên chỉ bị chênh lệch thủy triều, chứ không có xuôi hay ngược dòng.
Việc sớm khơi thông dòng sông không những giải phóng được vấn đề môi trường do ao tù nước đọng gây ra, mà còn giải được bài toán thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn.
Sau khi đầu tư nạo vét lòng sông, ông Thanh cho rằng các khu đô thị sinh thái và điểm du lịch sẽ phát triển mạnh bởi hiếm có dòng sông nào gần biển, gần những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới như Cổ Cò.
“Trong tương lai, ngoài phát triển du lịch thì đô thị ven sông cũng sẽ phát triển mạnh theo hướng đô thị sinh thái, theo quy hoạch của Chính phủ” – ông Thanh nói.
Phối hợp quy hoạch điểm dừng chân
Dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng đã được ghi vốn thuộc danh mục các dự án của chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020.
Về phía Quảng Nam, dự án sông Cổ Cò dự kiến có tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng.
Tại cuộc tiếp xúc mới đây vào cuối tháng 4-2019, lãnh đạo hai địa phương đã dự kiến khớp nối, thông luồng trước tháng 9-2020.
Ông Lê Trí Thanh đề xuất hai địa phương có sự phối hợp trong quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò hiệu quả nhất nhằm đẩy mạnh, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của hai địa phương.
Theo Danangz