Theo nhận định của chuyên gia, phân khúc cao cấp sẽ là hướng đi mới cho thị trường bất động sản 2019. Không chỉ tại thành phố lớn mà làn sóng này còn lan rộng tới các tỉnh có tiềm năng phát triển trên khắp cả nước.
Những tín hiệu tăng trưởng tích cực
Năm 2018, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,08% – cao nhất trong 10 năm qua. Cùng các chính sách mở cửa cho đầu tư nước ngoài, mở rộng khu vực kinh tế tư nhân, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài. Tầng lớp người giàu mới nổi ở Việt Nam cũng gia tăng nhanh nhất toàn cầu trong 10 năm trở lại đây. Điều này tạo điều kiện cho bất động sản cao cấp phát triển mạnh, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM
Theo doanh nghiệp bất động sản đánh giá, giá bất động sản cao cấp tại khu trung tâm TP.HCM hiện đang giữ mức trung bình khoảng 5.500 – 6.500 USD/m2, trong khi đó, giá chung cư cao cấp và hạng sang hiện nay ở Hà Nội chỉ từ 3.000 – 5.000 USD/m2, vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực. Thống kê cũng cho thấy, phân khúc cao cấp đang tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm 2018 với nguồn khách đa dạng, trong đó người nước ngoài chiếm 76%, nhà đầu tư trong nước, tầng lớp khá giả có dòng tiền nhàn rỗi cũng là nhóm khách hàng quan tâm nhiều đến phân khúc này.
Anh Nguyễn Văn Minh, một nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Hà Nội cho biết, phân khúc cao cấp luôn có vị trí rất riêng. Tựa như kim cương, bất động sản cao cấp không chịu nhiều tác động theo chu kỳ biến động của thị trường như với các dòng sản phẩm khác mà luôn giữ được giá trị và tiềm năng tăng giá cao. Biên độ lợi nhuận của sản phẩm này cũng rất hấp dẫn nên luôn có sức hút với nhà đầu tư.
Sóng đầu tư lan rộng về các tỉnh
Không chỉ phát triển tại Hà Nội và TP.HCM, làn sóng bất động sản cao cấp cũng đã bắt đầu lan rộng ra các thị trường lân cận khi hàng loạt ông lớn tấn công thị trường tỉnh với các dự án cao cấp có quy mô và đầu tư lớn.
Đơn cử như tại Thái Nguyên – trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của khu vực trung du miền núi phía Bắc, sự phát triển của công nghiệp, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự đầu tư của tập đoàn Samsung với nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới đã giúp Thái Nguyên đã thu hút nhiều lao động nước ngoài về sinh sống, làm việc. Một số nhà đầu tư lớn đã phát triển các dự án cao cấp để khai thác nhu cầu về nhà ở của nhóm các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Núi Pháo, các chuyên gia nước ngoài và công nhân làm việc tại nhà máy Samsung, các lãnh đạo công ty vệ tinh của Samsung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng như cán bộ công nhân viên có thu nhập cao nhưng không phải người địa phương (chủ yếu các tỉnh vùng Đông Bắc).
Tương tự Thái Nguyên, các tỉnh lân cận Hà Nội đang tập trung nhiều khu công nghiệp như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam cũng bắt đầu đón sóng do xu hướng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc.
Nguồn: Tổng hợp