Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, sự phát triển và tăng trưởng của thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng có tiềm năng lớn, nhất là về BĐS đất nền. Từ đây, đã xuất hiện dự báo BĐS Đà Nẵng có thể còn tăng giá thêm 30-50% nữa trong tương lai gần.
Cùng với Hà Nội và TPHCM, Đà Nẵng là một trong 3 thị trường BĐS lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, Đà Nẵng có lịch sử phát triển ngắn hơn hai thị trường TP.HCM và Hà Nội. Thị trường BĐS TPHCM đã phát triển khoảng hơn 40 năm, Hà Nội khoảng hơn 30 năm, trong khi Đà Nẵng mới gần 20 năm.
Hưởng lợi từ BĐS du lịch
Theo Savills Việt Nam, khách sạn đang phân khúc dẫn dắt thị trường BĐS Đà Nẵng, các nhà đầu tư trên phân khúc này đang hưởng lợi trực tiếp từ tình hình kinh doanh khả quan của ngành du lịch.
Thực tế, Đà Nẵng sở hữu lợi thế lớn tự nhiên lớn cả về lợi thế vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch. Hiện dân số Đà Nẵng là trên 1,2 triệu người nhưng khách du lịch mỗi năm luôn ở mức gấp 4 lần dân số.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng đã đón 4,3 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách nội địa rất ổn định với 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,3% theo năm. Khách du lịch quốc tế đường hàng không 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 45,8% theo năm.
Cùng với đó, đường hàng không vào Đà Nẵng hiện đã đạt 31 đường bay quốc tế (tần suất 419 chuyến/tuần) và 11 đường bay nội địa (tần suất 654 chuyến/tuần). Sắp tới, với gia nhập thị trường của các hãng hàng không mới, các đường/ chuyến bay mới, khả năng tiếp cận bằng đường hàng không trong thời gian tới sẽ tiếp tục giúp Đà Nẵng dễ dàng phân tách khách du lịch, định hướng thị trường dành cho đối tượng trung – cao cấp.
Sự gia nhập của các hãng hàng không và đường bay mới thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường khách sạn. Không chỉ tăng mạnh lượng khách du lịch, thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế tại Đà Nẵng khá ổn định, đạt 2,7 ngày (theo Savills). Đây là những dữ liệu quan trọng cho thấy dư địa phát triển của thị trường khách sạn là rất lớn.
Trong khi đó, nguồn cung thị trường khách sạn tính đến 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 20% theo năm, đạt khoảng 15.400 phòng từ 121 khách sạn 3-5 sao. Trong nửa đầu 2019, thị trường có thêm khoảng 2.000 phòng khách sạn, Từ nửa cuối năm 2019, hơn 8.000 phòng sẽ được đưa vào hoạt động.
Savills cũng cho biết, loại hình biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục hấp thụ tốt, do nguồn cung hạn chế và nguồn cầu ổn định (nửa cuối năm 2019 chỉ có 45 căn biệt thự gia nhập thị trường).
Tiềm năng BĐS đất nền
Về cơ bản, Đà Nẵng nói chung và thị trường BĐS của thành phố đã có nhiều năm tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, suốt thời gian ấy, Đà Nẵng không chịu áp lực gia tăng dân số cơ học. Điều này phần nào giúp thị trường BDS thành phố tránh được áp lực từ nhu cầu căn hộ chung cư hay đất phân lô, nhà liền kề như tại Hà Nội và TPHCM. Trong suốt nhiều chục năm, Đà Nẵng đã tận dụng lợi thế và chú trọng phát triển du lịch cùng với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, khách sạn, condotel, biệt thự biển….
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa phân khúc thị trường đất nền tại Đà Nẵng không phát triển. Ngược lại, trong nhiều năm, tại thành phố này có không ít các dự án đất nền từ lấn biển, hay san lấp trên bờ. Các dự án này vừa giúp hình thành quỹ đất cho phân khúc đất nền, và đồng thời “neo” giá sản phẩm đất nền của Đà Nẵng ở mức tương đối phù hợp. Đất nền tại Đà Nẵng cũng được “dự báo” là phân khúc có khả năng tăng mạnh trong tương lai.
Mới đây, Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng hướng phát triển và tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Đồng thời, Đà Nẵng cũng đã thuê đối tác Singapore triển khai lập lại quy hoạch chung của thành phố.
Theo đó, Đà Nẵng phải mở rộng không gian đô thị, thay vì chỉ quy tụ vào một khu vực trung tâm như hiện tại. Theo định hướng, 2 mũi nhọn phát triển tới đây của Đà Nẵng là phía Đông Nam và Tây Bắc của thành phố.
Với lợi thế chạy dọc theo bờ biển, đã quy hoạch một số dự án bài bản, hạ tầng đồng bộ, phía Đông Nam đang được kỳ vọng sớm trở thành trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ sôi động mới của thành phố. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng khá cao so với mặt bằng chung của miền Trung, vẫn phát sinh nhu cầu đất nền cho cư dân bản địa và nhập cư từ các địa phương khác. Nói cách khác, phân khúc đất nền tại thành phố vẫn duy trì được khả năng thanh khoản tốt và tích lũy lâu dài.
Dự báo trong thời gian tới, việc sở hữu BĐS tại Đà Nẵng sẽ khó khăn hơn khi đến năm 2020 dân số Đà Nẵng có khoảng 1,6 triệu người và đến năm 2030 là khoảng 2,5 triệu người, trong đó dân số chính thức đô thị khoảng 2,3 triệu người.
Điều này sẽ đẩy nhu cầu sở hữu BĐS ngày càng lớn, khiến thị trường Đà Nẵng sôi động, giá trị BĐS sẽ tăng mạnh trong tương lai. Dự báo, BĐS Đà Nẵng sẽ còn tăng giá thêm 30-50% nữa trong tương lai gần. Theo chu kỳ, thời gian cuối năm sẽ là thời điểm thị trường BĐS sôi động. Các chuyên gia dự báo, thị trường Đà Nẵng quý III/2019 đang bắt đầu ổn định và có giai đoạn tăng trưởng mới.
Theo khoa học đời sống