Với việc đón nhận hàng loạt những cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cho đến sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô hiện nay, bất động sản công nghiệp đang có những bước đột phá.
Thị trường bất động sản công nghiệp 2019: Một năm của cơ hội
“Trong năm 2019, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá đây sẽ là một trong những phân khúc thị trường còn nhiều dư địa phát triển”, đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.
Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại là yếu tố mới. Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là cơ hội tốt cho bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển và bứt phá.
Thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam (bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics) vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng, có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.
Mặc cho Mỹ không còn tham gia TPP (nay gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP), giới phân tích nhận định hiện Việt Nam vẫn là điểm đến chiến lược, và được xem là “công xưởng” mới cho các nhà sản xuất quốc tế. Dòng vốn đầu tư từ các nước, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác do “né” chiến tranh thương mại nên sẽ “chảy” vào Việt Nam nhiều hơn trong năm 2019.
Nguyên nhân là bởi Việt Nam có ưu đãi thuế quan và chi phí sản xuất thấp. Chi phí của Việt Nam chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc, chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia. Thêm vào đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực.
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2019, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 6,93 tỷ USD, chiếm 81,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là bàn đạp thúc đẩy việc cho thuê khu công nghiệp trong thời gian tới.
Cũng theo Báo cáo từ CBRE Việt Nam, 3 năm qua, nhiều nhà sản xuất linh kiện ô tô đến từ châu Âu, Mỹ và châu Á đang gia tăng thuê mặt bằng, nhà xưởng khu công nghiệp tại Việt Nam. Thực tế trên là một trong những tác động tích cực của sự tăng trưởng ngành công nghệ ô tô lên thị trường bất động sản công nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cũng cho rằng, cùng với bán lẻ thì bất động sản công nghiệp là phân khúc có nhiều tiềm năng phát triển tốt nhất trong thời gian tới.
Cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng mở rộng sản xuất – kinh doanh, đầu tư thêm các nhà máy mới. Tỷ lệ lấp đầy cao đã tạo nên sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần xấp xỉ 93 nghìn ha.
Trong 326 KCN được thành lập, có 250 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 68 nghìn ha và 76 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên trên 25 nghìn ha. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp cả nước sẽ tăng gấp đôi quy mô hiện tại. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Tỷ lệ lấp đầy cao cùng với việc quỹ đất ngày một eo hẹp chính là tiền đề vững chắc cho một thị trường bất động sản công nghiệp đầy hứa hẹn và tiềm năng trong tương lai gần, là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản khai thác lợi ích từ nhu cầu mở rộng sản xuất và nguồn cung hạn chế hiện tại. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, các địa phương cần có những chính sách, chiến lược ưu đãi, hỗ trợ mang tính đặc thù phù hợp với từng vùng miền, địa phương.
Theo: Tạp chí tài chính