Theo hãng nghiên cứu Wealth-X, Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới về số lượng người giàu. Tốc độ gia tăng chóng mặt của tầng lớp trung – thượng lưu đồng nghĩa với việc nhu cầu tìm kiếm những căn hộ cao cấp ngày càng bùng nổ trong thời gian tới.
Căn hộ như thế nào mới được gọi là “cao cấp”?
Giới trung, thượng lưu mới nổi hình thành từ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định của Việt Nam trong những năm gần đây đã kéo theo nguồn cầu lớn về căn hộ cao cấp, cả số lượng lẫn chất lượng. Quả vậy, 2.281.551 là số lượng kết quả tìm kiếm mà Google trả về cho cụm từ “Chung cư cao cấp Hà Nội 2019”.
Thế nhưng, tại Việt Nam, căn hộ như thế nào mới được gọi là “cao cấp”? Câu hỏi này xứng đáng là chủ đề của rất nhiều hội thảo, bàn tròn, công trình nghiên cứu… Nếu như bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là khách sạn và condotel luôn có các tiêu chuẩn xếp hạng rõ ràng, thì tiêu chuẩn của phân khúc căn hộ cao cấp tại Việt Nam (tương đương với xếp hạng 5-6 sao) vẫn là một vấn đề bỏ ngỏ còn gây nhiều tranh cãi.
Đa phần các dự án hiện chỉ được định vị dựa vào giá bán. Theo ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc đánh giá tiêu chí cao cấp dựa vào giá thành xây dựng của căn hộ là một sự lầm tưởng cần phải xem xét lại. Vì khi tầng lớp trung-thượng lưu ngày càng lộ diện rõ ràng hơn ở Việt Nam, xu hướng chọn nhà của những “người có tiền” đã thay đổi.
“Người giàu” cần gì?
Theo một cuộc khảo sát cuối năm 2018 của đơn vị nghiên cứu độc lập NNK thì tính phức hợp là một trong những tiêu chí đầu tiên được “người giàu” đặt lên bàn cân khi xem xét đầu tư một căn hộ.
Anh Đỗ Sơn Dương, CEO, đồng sáng lập Toong – chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên ở Việt Nam chia sẻ quyết định lựa chọn một căn hộ chung cư cao cấp để an cư lạc nghiệp: “Tôi đặc biệt quan tâm khu nào tiện đi lại và đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu cuộc sống mới của một gia đình trẻ như bể bơi bốn mùa, siêu thị, dịch vụ giải trí và phòng gym”.
Ngoài ra, “cộng đồng văn minh” là tiêu chí quan trọng thứ hai được anh Dương cân nhắc. Vị CEO chia sẻ rằng giá cả là vấn đề quan trọng; nhưng nếu đã hài lòng với các tiêu chí nói trên, dù giá có cao hơn ngân sách cho phép anh vẫn sẽ cố gắng mua.
Thứ ba, như hầu hết giới thượng lưu tại các quốc gia khác, đa số “người giàu” Việt Nam chỉ thích sống một cách giản dị và khép kín. Họ không thích khoe khoang sự giàu có của mình mà chỉ kín tiếng hưởng thụ, thậm chí còn có thói quen sống ẩn mình trong đám đông. Có thể, bạn sẽ khó lòng nhận ra hàng xóm của mình là một “đại gia”, bởi vì bên ngoài họ sống chẳng khác chúng ta là bao. Đặc điểm tính cách này quyết định phong cách thiết kế của những căn hộ mà họ lựa chọn. Không hào nhoáng, bóng bẩy, những căn hộ “người giàu” lựa chọn thường cũng mang dáng dấp của những món “đồ hiệu” authentic: Tối giản, thanh lịch nhưng được làm nên với sự tỉ mẩn và tinh xảo bậc nhất.
Với sự phát triển nhanh chóng của những người giàu thì giới phân tích nhận định đã đến lúc phân khúc hạng sang trở thành một xu thế chủ đạo mới.
Nguồn: Tổng hợp