Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hầu hết các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn về trung và dài hạn.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho rằng, với bối cảnh thị trường như hiện nay, rót tiền vào BĐS, vàng, hay chứng khoán… tùy thuộc vào “khẩu vị” rủi ro của mỗi NĐT. Có những nhà đầu tư sợ rủi ro thì kênh tiết kiệm vẫn là kênh ưa thích. Còn nếu không thích rủi ro, chia tiền ra mỗi chỗ một ít. Còn với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, sẽ có lựa chọn đầu tư riêng.
Về thách thức, theo TS. Lực, hiện cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro sau đại dịch, họ trở nên thận trọng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tiền mặt được coi là vua nên việc xuống tiền họ sẽ trở nên đắn đo hơn.
Bên cạnh đó, là khung pháp lý cho BĐS vẫn cực kỳ chậm, ví dụ như mảng Condotel, 4 năm rồi mà chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý. Ngoài ra, thách thức còn đến từ các kênh đầu tư khác. Trong thời điểm hiện nay, xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn BĐS, trong đó đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng. Từ đầu năm tới giờ, vàng thế giới tăng 27%, trong khi tại Việt Nam, giá kim loại quý cũng đã tăng tới 29%.
Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, vẫn nhận thấy cơ hội ở ba lĩnh vực liên quan đến BĐS, đó là cơ hội phát triển BĐS công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; tiếp đến là logistics, trong một báo cáo mới ra, Savills đánh giá Việt Nam là một trong ba thị trường hấp dẫn nhất châu Á về logistics; và cuối cùng nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng hơn vẫn rất cao.
“Tôi nghĩ, các nhà đầu tư là nên đa dạng hóa và rủi ro một chút. Nhiều nhà đầu tư thích lướt sóng và dùng đòn bẩy khá lớn, thậm chí vay cả tín dụng đen, khi thị trường đi xuống, chắc chắn sẽ phá sản, lỗ vốn. Hiện có khá nhiều kênh đầu tư hấp dẫn. BĐS luôn là kênh đầu tư trung và dài hạn”, ông Lực nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, nhà đầu tư không nên sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính, đặc biệt khi thị trường biến động quá khác thường như hiện nay.
Với BĐS, ông Đính cho rằng, BĐS luôn tăng giá, mức độ tăng theo số liệu nghiên cứu trong nhiều năm, dao động từ 5-7%/năm, rõ ràng có gì đó hơn gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, họ có thể khai thác BĐS đó để cho thuê, vì vậy luôn có cơ hội để có nguồn thu. Đương nhiên BĐS cũng có rủi ro, cái gì có lợi nhuận tốt hơn cũng có rủi ro cao hơn.
“Hiện tại, thị trường vẫn có nhiều sản phẩm tốt ở vị trí đắc địa, nhà ở vị trí đắc địa luôn có khả năng tăng giá cao, vị trí ở các khu vực tốt. Ngoài ra, đất nền tại nhiều địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh, giá đang nằm ngưỡng thấp chứ chưa phải giá đô thị hóa, nó sẽ trở thành giá đô thị hóa khi địa phương đó hoàn thành hạ tầng. Bên cạnh đó, BĐS nghỉ dưỡng cũng đáng quan tâm dù rằng hiện tại đang có một số trục trặc”. Đây là phân khúc có tiềm năng cao nhất về khả năng sinh lợi vì giá BĐS du lịch Việt Nam hiện vẫn ở ngưỡng thấp so với tiềm năng phát triển, ông Đính chia sẻ.
Chia sẻ về việc với bối cảnh hiện nay, NĐT nên đầu tư vào đâu, các chuyên gia BĐS phân tích, căn cứ trên kỳ vọng của khách hàng trong việc mang lại lợi nhuận mà họ đầu tư vào kênh nào. Trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay BĐS vẫn là kênh ngoài lợi nhuận còn là kênh tích lũy tài sản mà được nhiều khách hàng quan tâm hiện nay.
Theo các chuyên gia, với bối cảnh như hiện nay, đầu tư vào phân khúc nào, người mua phải phải xác định nhu cầu của mình: Trung hạn, ngắn hạn, dài hạn cũng như nhu cầu để ở hay ở hay để kinh doanh. Lúc thị trường khó khăn lại là cơ hội cho người mua được hưởng những chính sách tốt từ người bán.
Theo Trí thức trẻ