Những dự đoán sáng sủa về thị trường bất động sản năm 2019 đang dần thành hiện thực khi thu hút đầu tư bất động sản đã lên vị trí thứ 2 trong tổng số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngay những tháng đầu năm (tăng 36% so với cùng kỳ 2018), trong đó những con số tích cực nhất nằm ở nhóm bất động sản du lịch.
Mức tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch cũng là một bảo chứng cho sự bứt phá mạnh mẽ của phân khúc thị trường này, tập trung ở những địa bàn trọng điểm.
Xu hướng “nóng” nhất thị trường
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, 6 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, khách nội địa 45 triệu lượt, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Mục tiêu đón 20 triệu khách quốc tế vào năm 2020 được cho là mức đánh giá chưa đầy đủ so với năng lực phát triển của ngành. Sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch tiếp tục thúc đẩy nguồn cung bất động sản du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Một chuyên gia bất động sản, GS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đã có quá trình phát triển nhanh nhờ khả năng tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất ấn tượng, trung bình khoảng 30% mỗi năm (từ 2014 đến nay).
Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, bà Dương Thùy Dung chỉ rõ, nguồn khách du lịch gia tăng mạnh mẽ theo từng năm với những con số ấn tượng chính là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trong dài hạn.
Diễn biến thực tế của thị trường nửa đầu năm, theo báo cáo của Savills công bố cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang vượt nhóm các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc. Cụ thể, Việt Nam có khoảng 45.650 phòng sắp gia nhập thị trường giai đoạn 2019-2022, trung bình có 11.400 phòng được đưa vào khai thác mỗi năm, chiếm 69% tổng nguồn cung hiện tại.
Khu vực khách sạn 5 sao, căn hộ du lịch nắm 2 vị trí tăng trưởng tốt nhất thị trường, với giá thuê khách sạn tăng ở mức 7% theo năm, giá thuê căn hộ du lịch tăng 3%. Công suất trung bình cũng đều theo xu hướng tăng.
Dự hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Phú Quốc vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được kỳ vọng chiếm trên 10% GDP, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng chỉ ra bài học kinh nghiệm là cần thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh trong nước, nhiều nhà đầu tư mới có tiềm lực và khát vọng đầu tư làm ăn thật sự. Các địa phương có tiềm năng du lịch lớn, có khả năng vươn xa trên bản đồ du lịch như Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc, Sa Pa… đều đã bật lên với “công thức” đó.
Công thức “all in one”
Theo “công thức thành công” này, thì muốn phát huy được lợi thế của mình, các tỉnh thành đều cần hoàn thiện hạ tầng để mời gọi du khách. Như tại Đà Nẵng, động lực quan trọng là sân bay, cảng biển quốc tế, là những tuyến đường hầm xuyên biển từ bãi tắm đến tổ hợp vui chơi giải trí.
Yếu tố tiếp theo là sự góp mặt của hệ sinh thái du lịch hoàn hảo, gồm lữ hành, vận chuyển, lưu trú, mua sắm, giải trí. Nội dung này càng thể hiện vai trò của những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập. Đó cũng là tiêu chí vàng đảm bảo doanh thu, thành công cho những sản phẩm bất động sản gắn với những hệ sinh thái du lịch quy mô, đẳng cấp này vì khả năng hút những dòng khách khổng lồ tới đây.
Đây là những yếu tố để đánh giá tính thanh khoản, giá trị của các dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng gắn với những hệ sinh thái, những tổ hợp du lịch, vui chơi, giải trí… đáp ứng đầy đủ yêu cầu của bất cứ đối tượng du khách nào theo công thức “all in one”.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, những quần thể nghỉ dưỡng lớn với nhiều sản phẩm, tính năng, có nghỉ dưỡng, có chỗ vui chơi, giải trí, mua sắm như thế đảm bảo công suất buồng phòng luôn được lấp đầy ngay từ ngày đầu chính thức hoạt động.
Theo Vneconomy