Năm 2020, thành phố Đà Nẵng đang có những giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tạo điều kiện thu hút các tập đoàn công nghệ lớn vào đầu tư, giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ công bố Quyết định số 27/QĐ-TTg thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng – giai đoạn 1 (Công viên công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng – DITP) ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (điểm giao đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường tránh Nam Hải Vân, gần với Khu Công nghệ cao thành phố). Với diện tích 341ha, DITP hiện là Khu CNTT tập trung có diện tích lớn nhất cả nước.
Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng – chủ đầu tư DITP cho biết, DITP là Khu CNTT tập trung đầu tiên tại Việt Nam có cả công nghiệp phần mềm và phần cứng. Ở giai đoạn 1, sẽ có 47ha diện tích đất dành cho các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử theo mô hình của Thung lũng Silicon (Mỹ). Trong năm 2020, tại DITP sẽ có 10 nhà máy vận hành các dây chuyền công nghệ SMT (tức công nghệ “dán bề mặt”, dùng trong chế tạo bo mạch), sản xuất linh kiện điện tử và bo mạch in cho thị trường Đài Loan và Mỹ.
Trong thời gian tới, DITP cũng sẽ đầu tư 3 dây chuyền SMT ở vườn ươm Khu Công nghệ cao. “Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tại Thung lũng Silicon, chúng tôi hy vọng việc đầu tư 3 dây chuyền này sẽ giúp đào tạo nguồn kỹ sư và công nhân lành nghề, đạt chuẩn IPC (tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp lắp ráp điện tử, được Viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ công nhận), làm nguồn nhân sự lõi cho các dự án sau này. Ngoài ra, 3 dây chuyền này cũng phục vụ cho công tác nghiên cứu – phát triển, sản xuất sản phẩm thử nghiệm và đáp ứng một số đơn hàng nhỏ”, ông Huy thông tin thêm.
Tháng 8-2019, Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Meritronics AMT Hoa Kỳ để hợp tác thành lập Công ty CP Trung Nam Meritronics Technology, cung cấp các dịch vụ sản xuất vi mạch điện tử tại DITP; đồng thời hợp tác với Ai20X Silicon Valley trong cung cấp dịch vụ xây dựng, phát triển DITP thành “Thung lũng Silicon mở rộng”. Một điểm đặc biệt khác của Danang IT Park là mô hình công viên, với mật độ xây dựng chỉ 40%, diện tích còn lại sẽ dành cho cây xanh, mặt nước…
Trong năm 2020, DITP sẽ tập trung tạo “sức sống” ở Danang IT Park bằng cách đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng 10 nhà máy và các tiện ích dùng chung (khu thể thao, nhà ở chuyên gia, tiệm cà-phê, nhà cộng đồng…), sử dụng năng lượng mặt trời.
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty Phần mềm FPT Đà Nẵng thì cho hay, năm 2020, công ty đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng 30% về doanh thu, hoàn tất giai đoạn 2 của dự án Khu phức hợp FPT (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) để có thêm 3.000 chỗ làm việc, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng của công ty.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, trong năm 2019, xuất phát từ những kiến nghị, bức xúc về không gian làm việc của các doanh nghiệp CNTT, Sở đã lập Đề án mở rộng Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng và được UBND thành phố phê duyệt. Theo đó, Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng mở rộng sẽ đặt tại khu đất có ký hiệu A2-4 (diện tích 16.429m2) và A2-7 (diện tích 16.256m2) thuộc Khu E2 mở rộng – Khu dân cư phía nam cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ). Trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng. Đây là một trong những dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025 của thành phố. Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ hoàn thành đầu tư công hạ tầng cơ bản cho khu và tòa nhà điều hành (nơi đặt Trung tâm dữ liệu thông minh, khu trưng bày sản phẩm CNTT, khu lễ tân, hội trường, phòng họp). Từ năm 2021-2025, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp CNTT, viễn thông đầu tư theo hình thức xây dựng các phân khu sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Bên cạnh đó, trong năm nay, thành phố sẽ khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT lớn như FPT, Viettel, VNPT… đầu tư xây dựng, mở rộng các khu Công viên phần mềm của doanh nghiệp.
Theo Báo Đà Nẵng