Theo các chuyên gia, so với vàng, chứng khoán hay ngoại tệ, thì BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn, có khả năng sinh lời hiệu quả cả trung và dài hạn.
Dù liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi những cú đấm bồi của dịch Covid-19, song so với vàng, ngoại tệ, bất động sản (BĐS) hiện vẫn đang được xem là kênh đầu tư an toàn có khả năng sinh lời hiệu quả cả trung và dài hạn.
BĐS vẫn là kênh “trú ẩn” an toàn?
Trong thời gian qua, thị trường vàng và thị trường chứng khoán trong nước biến động liên tục theo chiều hướng xấu.
Đã có thời điểm, giá vàng giảm 2 triệu đồng/lượng chỉ trong một đêm, khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Mặt khác, các kênh đầu tư khác như ngoại tệ, trái phiếu doanh nghiệp lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với giới đầu tư không có kiến thức chuyên môn về kinh tế.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, thị trường bất động sản vẫn có dấu hiệu tăng trưởng cho dù cũng bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Cụ thể, theo Báo cáo quý II/2020 của Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý I/2020. Giá trị cũng tăng 1% so với quý trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào tăng liên tục là hai lý do chính khiến giá nhà ở cao cấp rất khó giảm trong bất cứ trường hợp nào.
Dự báo về triển vọng hồi phục của thị trường BĐS, ông Đính khẳng định: “Điều này còn phụ thuộc nhiều vào dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát, chắc chắn thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng, tạo ra lợi nhuận cho ai đầu tư trước đó”.
Nhiều khuyến mãi trong tháng “cô hồn”
Theo thông lệ, trong tháng 7 âm lịch, các chủ đầu tư đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu thị trường BĐS.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, một số dự án đã tung ra nhiều chương trình như tặng thêm chiết khấu sản phẩm, tặng quà khi giao dịch, giảm trực tiếp vào giá nhà, hoặc hỗ trợ lãi suất trả góp…
Như vậy, khi rót vốn vào thị trường BĐS trong thời điểm này, các chương trình khuyến mại sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư.
Được hỗ trợ nhiều từ chính sách
Kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, Chính phủ, và các bộ, ngành có liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp để kích thích thị trường BĐS hồi phục.
Ví dụ, Chính phủ đã áp dụng gói tín dụng 300.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp; Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội nhằm không để người nào bị bỏ lại phía sau; Gói 3.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.
Bộ TN&MT cũng kiến nghị miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19;…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Cụ thể, từ ngày 17/3, lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm…
Lãi suất đầu vào giảm sẽ là tiền đề để các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách lãi suất cho vay giá “rẻ”. Tất cả các lĩnh vực đều được hưởng lợi nhờ chính sách này, trong đó có BĐS.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, do những tác động của đại dịch Covid-19, việc hạ trần lãi suất là yếu tố cần thiết để kích thích thị trường BĐS hồi phục.
Hiện nay, các ngân hàng thường cho khách vay tối đa 70% đến 80% giá trị ngôi nhà. Điều đó có nghĩa khoản vay của người mua rất lớn. Nếu lãi suất cho vay mua nhà giảm, người mua nhà sẽ bớt đi một phần gánh nặng về tài chính.
Theo Dân trí