Chiều 11/2, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu đẩy nhanh thủ tục để sớm khởi công dự án khơi thông sông Cổ Cò dài 9km qua địa bàn TP.
Sông Cổ Cò dài hơn 28 km, chảy dài theo bờ biển, trong đó có 20km nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Dòng sông này nối từ Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) đến cửa sông Hàn (Đà Nẵng). Nhiều thế kỷ trước, sông Cổ Cò được rất nhiều thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa ra vào, buôn bán giữa 2 vùng.
Con sông này một thời thuyền buồm ngược xuôi tấp nập và là Trung tâm mậu dịch quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế vững chãi cho nhiều đời Chúa Nguyễn trong hành trình mở rộng về phương Nam. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX, do sự biến thiên của khí hậu, thổ nhưỡng, sông dần bị bồi lấp, chỉ còn một đoạn ngắn.
Ngày nay, trong định hướng phát triển du lịch, đô thị phía Nam Đà Nẵng – Hội An, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan kiến trúc mà còn có ý nghĩa đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tạo ra những khu đô thị sinh thái thiên nhiên ven sông.
Nhận thấy ý nghĩa quan trọng của dòng sông huyết mạch một thời, mới đây, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã thống nhất phương án nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò, để phát triển kinh tế, phát triển du lịch giữa Hội An và Đà Nẵng. Theo đó, Quảng Nam dự kiến sẽ nạo vét hơn 20 km với nguồn kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó trung ương hỗ trợ 340 tỷ đồng. Còn Đà Nẵng thực hiện phần còn lại với kinh phí gần 500 tỷ đồng, trong đó trung ương hỗ trợ 245 tỷ đồng. Đặc biệt, 2 địa phương cũng thống nhất sẽ triển khai các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông…
Với dự án nạo vét, mục tiêu là thông luồng toàn tuyến sông trước tháng 9/2020. Chính quyền và người dân Quảng Nam – Đà Nẵng kỳ vọng thay đổi tạo ra không chỉ có ý nghĩa liên kết vùng phát triển kinh tế của 2 địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, những đô thị có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ, kiến trúc độc đáo, tựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng. Do đó, việc khơi thông dòng sông Cổ Cò là khơi thông long mạch cho sự phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng Đà Nẵng và Quảng Nam. Đặc biệt, khi dòng sông này được hồi sinh, hứa hẹn sẽ viết tiếp câu chuyện của sông Hàn, định hình cho Đà Nẵng vươn lên thành một “đô thị dòng chảy” mới của thế giới.
Đối với TP Đà Nẵng và TP Hội An, việc khớp nối sông Cổ Cò có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi, dự án này không chỉ vừa giúp xây dựng đô thị mới, hình thành mối liên kết vùng vững chắc, vừa dịch chuyển mạnh nền văn hóa du lịch lên những con sông. Mà nó còn mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế giữa một bên là áp lực mà đô thị cổ Hội An đang cần được chia sẻ, một bên là đô thị mới Đà Nẵng đang muốn bứt phá.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đắc Đạt – Trưởng BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN và PTNT Đà Nẵng cho biết, tháng 3 này sẽ hoàn thành xong toàn bộ nội dung của dự án, đến ngày 30/4 trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tháng 5 lựa chọn thiết kế thi công, tháng 7 hoàn thành toàn bộ dự toán kinh phí, thiết kế bản vẽ thi công và tháng 9 khởi công công trình.
Cũng theo ông Đạt, hiện Ban đang phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch để thiết kế cảnh quan 2 bên sông Cổ Cò. Đồng thời, Viện Quy hoạch cũng đã trình Sở Xây dựng thẩm định để sớm trình thành phố.
Sau khi nghe báo cáo, ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo, đây là công trình trọng điểm của thành phố nên cần phải triển khai khẩn trương. Hồ sơ phần việc nào xong trước thì làm trước, không nhất thiết phải chờ tổng thể nhằm để rút ngắn thời gian.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, khi thiết kế cảnh quan 2 bên bờ sông, Viện Quy hoạch cần lấy ý kiến Sở Văn hóa, Du lịch và quận Ngũ Hành Sơn. Vì cảnh quan 2 bên sông cũng để phát triển du lịch, nhất là đoạn qua khu vực chùa Quán Thế Âm.
Theo Môi trường và đô thị