Đó là nhận định của ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group) về thị trường bất động sản hiện nay.
Theo ông Tuyển, mọi người đang nói đến “giải cứu thị trường bất động sản”; “tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư”, hay “sửa đổi các luật để tạo hành lang pháp lý cho ngành bất động sản”,… Đó là những động thái rất tốt.
Bằng chứng là lãi suất đã và đang tiếp tục giảm, một số tỉnh tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp qua tháo gỡ pháp lý các dự án. Đồng thời, Quốc hội liên tục họp để tiếp tục chốt lại những điều luật cuối cùng của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Một chương mới cho thị trường bất động sản đang dần mở ra. Khó khăn trước mắt vẫn còn nhưng những gì khó khăn nhất đã ở phía sau lưng những người làm bất động sản. Vì vậy, ông Chủ tịch BHS Group thấy rằng, một số chủ đầu tư đã bắt đầu ra hàng, một số thị trường nhen nhóm tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, khi nhìn đến nhân tố vô cùng quan trọng của thị trường, ông Tuyển lại thấy một “thảm cảnh”. Cụ thể, các sàn giao dịch và lực lượng môi giới bất động sản là những người lan tỏa thông điệp thị trường rất nhanh. Đồng thời là cầu nối giữa người mua và người bán để thúc đẩy quá trình thanh khoản của bất động sản diễn ra hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế dù nguồn cung và cầu có tốt hơn nhưng “mắt xích” môi giới yếu sẽ làm chậm quá trình phục hồi của thị trường lại rất nhiều.
Nghiên cứu của bộ phận BHS R&D về thực trạng ngành môi giới bất động sản, cho thấy, lượng sàn giao dịch đóng cửa/tạm dừng hoạt động lên đến gần 50%. Trong số 50% còn lại, có tới 30% sàn giao dịch đang hoạt động cầm chừng (không trả lương cho môi giới hoặc bán được hàng thì mới có lương). 20% còn lại có hoạt động thực tế nhưng dựa trên một kho hàng eo hẹp (chủ yếu ở thị trường Hà Nội, TP. HCM và cho chủ đầu tư Vingroup).
Theo ông Tuyển, nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản mất thanh khoản đột ngột. Các chủ đầu tư bất động sản rơi vào tình cảnh khó khăn, việc thanh toán công nợ cho sàn và môi giới bị chậm. Nhưng làm môi giới bất động sản “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Một khoản tiền về sẽ chia ra cho các chi phí quảng cáo, tiếp khách, đi lại,…thậm chí là cả cắt tiền cho khách (cắt máu). Như vậy, khi công nợ về, số tiền còn lại cũng không thể hưởng cả. Nếu tiền không về thì “thảm cảnh” chắc chắn sẽ diễn ra.
Do đó, sàn giao dịch không đủ kinh phí trả lương. Còn môi giới không đủ tiền để tiếp tục duy trì và đầu tư tiếp cho nghề. Một số môi giới bất động sản ở lại với thị trường, thực tế cũng không có nguồn hàng mới đủ uy tín để bán.
Theo ông Tuyển, một bài toán tổng thể giúp cho thị trường bất động sản tốt hơn đặc biệt cần sự góp mặt của lực lượng môi giới chuyên nghiệp. Họ khai phá tạo ra thị trường và nhu cầu đối với sản phẩm bất động sản, định hướng cho nhà phát triển tạo ra nguồn cung phù hợp với nhu cầu thị trường, kết nối cung – cầu.
Ông Tuyển kỳ vọng, các chủ đầu tư sắp tới sẽ có dồi dào nguồn cung bất động sản hơn, có tiềm lực để giải quyết công nợ. Đặc biệt có góc nhìn thực tế hơn về lực lượng là cánh tay nối dài của họ tới khách hàng. Bởi lẽ, đội ngũ môi giới chất lượng luôn là “chất xúc tác” thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thanh khoản của bất động sản.