Theo một số chuyên gia, xu hướng bất động sản (BĐS) du lịch với loại hình condotel và biệt thự nghỉ dưỡng vẫn có tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu quy định là loại hình BĐS có nhiều công năng thì sẽ phát triển hơn loại hình BĐS kinh doanh.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho thấy, tính đến hết năm 2018, có 8.000 hộ condotel được mở bán tại 12 địa phương, trong đó riêng tỉnh Khánh Hòa chiếm 26%, Quảng Ninh chiếm 19%, lượng giao dịch năm 2018 cũng đạt hơn 7.000 căn.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, chia sẻ loại hình condotel, biệt thự nghỉ dưỡng là xu hướng đầu tư 3 – 4 năm trở lại đây. Đặc biệt 2 năm trở lại đây, xu hướng này ngày càng phát triển.
Tiềm năng rất lớn
Điều này được thể hiện qua con số ngay trong quý I/2019 có 1,7 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó lĩnh vực BĐS luôn đứng thứ hai và BĐS nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ cao nhất.
Quý I/2019, ông Khởi cho biết thêm, xu hướng đầu tư condotel tại các tỉnh phía Nam nhiều hơn phía Bắc. Cả nước trong quý I/2019 có hơn 1.700 căn hộ condotel và gần 200 biệt thự du lịch được mở bán; trong đó có 1.300 căn hộ và gần 80 biệt thự giao dịch thành công, với số lượng giao dịch ít, nhưng giá trị giao dịch cao.
Nhìn vào những số liệu trên cho thấy cơ hội của BĐS nghỉ dưỡng rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, tác động từ mâu thuẫn này sẽ kỳ vọng một lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng lên, nhất là từ Trung Quốc.
Theo Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong cuộc chiến thương mại này, Việt Nam được hưởng lợi rõ khi FDI đổ vào trong nước đang tăng.
Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS Trung Quốc đang có kế hoạch sang Việt Nam thuê Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo riêng về chính sách BĐS của Việt Nam và ưu đãi cho người nước ngoài.
“Điều quan trọng là Việt Nam cần phải làm gì trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tận dụng những ưu thế gì để phát triển kinh tế”, Gs. Võ nói.
Trong bối cảnh đó, Gs. Võ cho rằng khả năng phát triển BĐS du lịch là khá lớn, bởi tiềm năng còn nhiều.
Mục tiêu của Chính phủ là đưa kinh tế du lịch của Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam là rất cao và không lo câu chuyện cung vượt cầu.
Condotel là căn hộ du lịch
Nhận định về xu hướng BĐS nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng Việt Nam vẫn là môi trường ổn định, rất nhiều du khách ghé thăm.
Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện loại hình du lịch mới như nghỉ dưỡng tham quan truyền thống, du lịch chữa bệnh, du lịch kết hợp hội thảo hội nghị, du lịch tâm linh và du lịch mua sắm… Đây sẽ là những loại hình ngày càng thu hút khách quay trở lại, đồng nghĩa với việc nhu cầu về cơ sở lưu trú sẽ tăng lên.
Về tính pháp lý cho BĐS nghỉ dưỡng, ông Khởi khẳng định hiện nay, chúng ta đã nói rõ ràng trong Luật Du lịch có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và tại Thông tư 11 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, condotel là căn hộ du lịch chứ không phải nhà ở.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, BĐS du lịch đang gặp khó khăn nhất định, do không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ loại hình BĐS du lịch, đặc biệt là cách thức, quy chế và quy định pháp lý.
Mới đây, Luật Đất đai 2013 dự kiến sửa đổi thông qua Quốc hội, nhưng Thủ tướng giao lại cho Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa lại cho đồng bộ và sẽ kiểm tra, khảo sát thêm về loại hình này. Điều này cũng ít nhiều gây khó khăn cho loại hình condotel trước mắt.
Thêm nữa, vấn đề nguồn vốn đầu tư, tín dụng bị hạn chế cũng sẽ tác động đến các khách hàng hạn chế mua các căn hộ nghỉ dưỡng. Điều ông Khởi nhấn mạnh thêm là du lịch của Việt Nam có đủ đáp ứng cho một lượng khách lớn cùng lúc tới Việt Nam hay không.
Tương lai, du lịch nghỉ dưỡng vẫn là nơi thu hút khách, sẽ xuất hiện xu hướng đầu tư an toàn và tính toán hơn, địa điểm phát triển phong phú hơn và đa dạng loại hình BĐS.
Theo thoibaokinhdoanh.vn