“Trước khi “bóng ma” Covid xuất hiện, Thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá là gặp nhiều khó khăn bởi nguồn cung hạn hẹp, giá một số nơi tăng cao, đổ vỡ cam kết của dòng BĐS nghỉ dưỡng. Khi Covid xuất hiện thì thực sự làm cho những người lạc quan nhất cũng đã tưởng tượng đến một cơn đại hồng thủy cuốn trôi mọi thành tựu kinh tế và một sự đổ vỡ trên diện rộng của thị trường BĐS.
Nhưng thật kỳ lạ, từ sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ thì thị trường như bừng tỉnh, mọi hoạt động mua bán diễn ra sôi động như chưa có chuyện gì xảy ra. Lượng giao dịch của các dự án tăng mạnh theo từng tuần.
Vậy đâu là nguyên do cho sự hứng khởi này?
Thứ nhất, sự khác nhau giữa khủng hoảng kinh tế năm 2011 và nguy cơ 2020. Năm 2011 khi kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng thì Việt Nam lại chìm trong lạm phát và thất nghiệp. Lãi suất ngân hàng cho vay trung dài hạn lên tới 18% đến 20%, điều này khiến tiền trong dân khan hiếm, nhu cầu đầu tư đặc biệt là đầu tư BĐS bằng không. Còn chưa kể đến đó là hệ lụy của việc phát triển tràn lan các dự án phân lô bán nền không đủ điều kiện, sự quản lý lỏng lẻo của các doanh nghiệp Nhà nước và đặc biệt là “không có các Chủ đầu tư lớn đủ tầm” dẫn dắt thị trường theo hướng minh bạch và chất lượng. Cung thì thừa và cầu thì yếu dẫn đến kịch bản thị trường đóng băng vài năm sau đó.
Trong khi đó, bối cảnh hậu Covid -19, kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tựu rất lớn. GDP các năm từ 2013-2019 tăng từ 6.8%- 7% mỗi năm, chỉ số lạm phát thường chỉ từ 3.5%-4.5%, hệ thống ngân hàng hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, trong ngành BĐS thì tạo lập một thế hệ vàng các chủ đầu tư uy tín, đủ tài, đủ tâm và tầm dẫn dắt thị trường.
Các sản phẩm từ tay các chủ đầu tư lớn vừa đạt chất lượng cao về quy hoạch, vừa đạt đẳng cấp về cảnh quan và tiện ích. Vì vậy, nguồn cung được chuẩn hoá và cạnh tranh nhau, đó là thành tựu của 7 năm thay đổi. Tuy vậy, cũng tại thời điểm này, những khó khăn về thủ tục pháp lý khiến các chủ đầu tư không thể cho ra thật nhanh các sản phẩm của mình. Điều đó dẫn đến một bối cảnh thị trường “cung yếu – cầu cao – giá khó giảm”.
Thứ hai, một loạt các thông tin tốt cho thị trường liên quan đến tháo gỡ pháp lý như: Cấp sổ cho Condotel, Nghị định 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều trong Luật Đấu thầu, Bộ Xây dựng cho phép chia căn hộ 25m2,… và đặc biệt gần đây, Bộ Tài nguyên Môi trường rút lệnh cấm phân lô bán nền ở ngoại thành Hà Nội và TP HCM. Đó thực sự là những điểm mấu chốt vô cùng tích cực để tháo gỡ cho các chủ đầu tư.
Thứ ba, Việt Nam như đang sống khép kín trong một quả bóng nhiều ôxy. Ta có thể thấy rằng, hiện tại tình hình kinh tế, chính trị thế giới rất phức tạp và nhiều điều kiện bất lợi. Tuy nhiên, Việt Nam hay nói chính xác là tâm lý người Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng gì nhiều. Bên cạnh đó, Chính phủ lại tìm nhiều giải pháp để bơm tiền ra thị trường (dự kiến tổng lượng tiền bơm ra qua các kênh lên tới 900 ngàn tỷ). Khiến 100 triệu dân Việt Nam như sống trong một thế giới thu nhỏ chỉ tiêu tiền Việt và dùng hàng Việt. Không biết điều tích cực này có thể kéo dài bao lâu nhưng trong ngắn hạn điều đó tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư. Đặc biệt là nhà đầu tư chứng khoán và BĐS.
Thứ tư, sự bảo toàn lực lượng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chúng ta thấy rằng, trong thời gian vừa qua các nhà đầu tư tham gia thị trường chia ra làm 2 loại chính, chuyên nghiệp và bán chuyên. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn nhắm tới những thị trường/ sản phẩm có tiềm năng lâu dài, có pháp lý minh bạch, và đặc biệt, họ biết rút tiền ra khi thị trường đã lên giá quá cao. Còn các nhà đầu tư bán chuyên thì thường chỉ nhìn vào lợi nhuận, họ không có kinh nghiệm để biết đâu là sản phẩm tốt và không biết đâu là điểm dừng. Kết quả là, những nhà đầu tư bán chuyên hiện vẫn sở hữu những sản phẩm ít tiềm năng hoặc giá rất cao. Còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn đang rất đủng đỉnh tiền và sẵn sàng cho các “cuộc săn bắt” mới.
Thứ năm, sự nhạy bén của các chủ đầu tư khi ra các dòng sản phẩm mới:
BĐS công nghiệp: Ai cũng biết Việt Nam hiện tại là nước có nguồn nhân công giá rẻ, cầu cảng kho vận thuận lợi. Đặc biệt, Việt Nam được các nước lớn ưu tiên dịch chuyển nhà máy, xí nghiệp đến. Kèm theo đó là cơ hội phát triển BĐS công nghiệp (nhà xưởng, kho bãi,…) và BĐS phụ trợ khu công nghiệp (nhà ở, khách sạn, trường học, dịch vụ,…).
Đô thị nghỉ dưỡng ven đô: Hiện tại, do yếu tố pháp lý và sự đổ vỡ cam kết của sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, rồi sự thay đổi hành vi đi du lịch (thay từ việc phải bay và nghỉ dài ngày thì khách hàng đang lựa chọn cách tự lái xe và nghỉ ngắn ngày hơn). Những thay đổi đó là cơ hội cho dòng sản phẩm “Đô thị nghỉ dưỡng ven đô”. Đó như là một ngôi nhà thứ hai vừa có thể nghỉ ngơi hoặc cho thuê theo nhu cầu.
Nhà ở xã hội: với thu nhập bình quân đầu người 3000 USD/năm thì nhu cầu nhà ở thu nhập thấp tại Việt Nam là vô cùng lớn. Tuy nhiên, loại hình này bị hạn chế về lợi nhuận của các chủ đầu tư nên đang không được họ chú tâm xây dựng.
Tóm lại, thị trường BĐS Việt Nam trong vài năm sắp tới dự kiến sẽ không bị sụp đổ như nhiều người nghĩ. Thậm chí có những điểm sáng và những thay đổi bản lề để có một giai đoạn 2020-2030 phát triển mạnh mẽ hơn. Trong dài hạn thì cần sự tài tình của các cơ quan nhà nước điều tiết để quả bóng ôxy không bị xẹp đi khi thu hồi dòng tiền (do lạm phát) hoặc không bị nổ tung khi thị trường quá hưng phấn khó kiểm soát. Còn về các chủ đầu tư, phần thắng sẽ thuộc về các chủ đầu tư có sẵn quỹ đất và đưa ra được các dòng sản phẩm có giá trị thực, đáp ứng nhu cầu dài hạn của người mua. Hy vọng, hậu Covid 19 sẽ là cơ hội để BĐS Việt Nam điều tiết, phát triển và thịnh vượng”.
PV Tổng hợp