Ngày 29/10, theo nội dung đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về việc đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về việc bổ sung nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Trước đó, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định mục tiêu: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước;
Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”.
Theo nội dung nghị quyết Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước, việc cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện nghị quyết. Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị, đề xuất của thành phố Đà Nẵng; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể cho TP Đà Nẵng theo thẩm quyền.
Theo bản quy hoạch TP Đà Nẵng đang cùng các nhà tư vấn xây dựng, tiến độ thực hiện đã bước sang giai đoạn 3 và cơ bản bảo đảm tiến độ thực hiện. Về thiết kế chiến lược phát triển kinh tế, đơn vị tư vấn đã xác định các nội dung cơ bản trong phát triển kinh tế với việc định vị Đà Nẵng. Đà Nẵng được định vị là “Trung tâm phong cách sống và là cửa ngõ quốc tế; trung tâm dịch vụ cho miền Trung và Hành lang kinh tế Đông-Tây; là nút giao thông quan trọng trong mạng lưới sản xuất và logistics toàn cầu”.
Về dự án GRDP, tư vấn đưa ra với 2 kịch bản tăng trưởng 9,1% và 12%; GRDP bình quân đầu người đề xuất đạt 8.700 USD vào năm 2030 và 25.300 USD vào năm 2045. Về cơ cấu kinh tế, bao gồm 4 cụm kết nối bởi công nghệ thông minh: Du lịch, công nghệ cao, logistics, kinh tế biển.
Về quy hoạch chung, đơn vị tư vấn cũng đã xác định tầm nhìn, mục tiêu, dự báo dân số, mô hình đô thị, cấu trúc đô thị và các nội dung ý tưởng về quy hoạch sân bay, cảng biển, đường sắt và nhà ga đường sắt, cấp nước, xử lý chất thải rắn cùng các hạ tầng kỹ thuật về cấp điện, xử lý nước thải.
Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng xác định không gian đô thị với 3 vùng phát triển: ven biển, ven sông; vùng công viên cây xanh giữa đô thị và vùng đồi núi phía tây thành phố. Đơn vị tư vấn đưa ra ý tưởng phát triển cấu trúc đô thị theo hướng đường chân trời hình thành khu vực xây dựng thấp tầng ở phía đông, cao dần về phía tây. Về cơ sở hạ tầng, đơn vị tư vấn có nhiều ý tưởng sáng tạo, táo bạo với việc xác định công trình đầu mối về phát triển cảng biển, sân bay, trục giao thông, cấp nước, xử lý chất thải, cấp điện, xử lý nước thải.
Nội dung quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông được thảo luận, phân tích đánh giá cụ thể để góp ý đơn vị tư vấn thực hiện. Trong đó, có các ý kiến về địa điểm khu xử lý rác thải tập trung cho hiện tại và tương lai; lĩnh vực cấp nước cũng chủ động nguồn cấp nước an toàn, không đề cập việc xây đập lớn ở các cửa sông… Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật như cảng biển cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận từ nhiều cấp, nhiều đơn vị quản lý.
Theo Nhịp sống kinh tế