Năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang đón nhiều cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới khi liên tiếp nhiều chính sách pháp lý quan trọng được “ra đời”.
Condotel được công nhận pháp lý
Mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 703 hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu cho loại hình căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng…
Theo quy định, đất xây condotel là đất thương mại, dịch vụ và có thời hạn sử dụng đất từ 50 – 70 năm giúp nhà đầu tư yên tâm về tính sở hữu lâu dài. Khi hết thời hạn, nếu người sở hữu muốn tiếp tục sử dụng đất, Nhà nước sẽ xem xét và gia hạn.
Các chuyên gia đánh giá, thông tư hướng dẫn mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường là một động thái tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội phục hồi tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài bị chững do vướng mắc về pháp lý. Quy định Nhà nước bảo hộ thời gian sở hữu condotel sẽ giúp thị trường minh bạch, từ đó tạo động lực cho các nhà đầu tư thứ cấp để họ có niềm tin lập các phương án đầu tư bền vững hơn.
Nghị định 25 “gỡ điểm nghẽn” cho nhà đầu tư
Ngày 28/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 25/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, với nhiều điểm mới. Trong đó tại Điều 60 đã quy định rõ việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án.
Đồng thời, việc giao đất cho cho nhà đầu tư trúng đầu thầu được thực hiện theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại Khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, theo đó áp dụng tương tự thủ tục giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Với những quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục của các bên liên quan trong việc giải phóng mặt bằng và giao đất/cho thuê đất, Nghị định 25 đã gỡ bỏ được nút thắt lớn về những quy định pháp lý chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Đấu trong thời gian vừa qua. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều địa phương “không dám” giao dự án mới cho nhà đầu tư và/hoặc “không dám” giao đất cho nhà đầu tư đã trúng đấu thầu, dẫn tới hàng loạt các dự án bất động sản bị đình trệ.
Sự ra đời của Nghị định 25 được xem là căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đầu thầu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với các dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa thể triển khai do chưa được Nhà nước giao đất/cho thuê đất trong thời gian qua, nay sẽ được tái khởi động, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cả nhà đầu tư và xã hội.
Thông tư 22 giúp tín dụng rót vào bất động sản theo chiều sâu
Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chính thức được triển khai từ tháng 1/2020 tiếp tục xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản nhằm giữ nhịp thị trường phát triển ổn định.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, điều này không đồng nghĩa với tín dụng vào bất động sản bị ngắt hoàn toàn, mà sẽ đi theo chiều sâu hướng đến những dự án có sự chuẩn bị kỹ càng, những chủ đầu tư thực sự uy tín và người mua có nhu cầu ở thực sự mới được ngân hàng cho vay, từ đó tránh được việc đầu cơ, đẩy giá bất động sản, gây bất ổn thị trường.
Với những tin vui về pháp đến liên tiếp trong đầu năm 2020 đang mở ra nhiều bệ phóng vững chắc để các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng phát triển sôi động trở lại trong thời gian tới, mang đến nhiều cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư.
Theo dautubds.baodautu.vn