Nguồn cung bất động sản phân khúc trung cấp và bình dân nhiều năm luôn dẫn dắt thị trường, nhưng nguồn cung cao cấp thời điểm hiện tại và tương lai cũng sẽ có chỗ đứng nhất định, do Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2019, thị trường Hà Nội đón nhận 12.970 sản phẩm căn hộ và nhà thấp tầng, giao dịch 8.899 sản phẩm; thị trường TP. Hồ Chí Minh có 10.715 sản phẩm được chào bán và 8.560 sản phẩm được giao dịch.
Riêng phân khúc cao cấp, tại Hà Nội đón nhận 978 sản phẩm, giao dịch 558 sản phẩm (tỷ lệ 57%); tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung đạt 2.896 sản phẩm, giao dịch 2.371 sản phẩm (gần 82%).
Còn nhiều tiềm năng
Với cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đã và đang ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP… sẽ thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, nhu cầu người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ tăng cao và sẽ lựa chọn phân khúc hạng A.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc công ty TNHH CBRE Hà Nội, cho rằng phân khúc nhà cao cấp tại Việt Nam có nhiều dư địa phát triển tốt, vì Việt Nam đã và đang tham gia các FTA đa phương và song phương, nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài có tiền có thể tiếp cận.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, việc tiếp cận nhà ở hiện nay rộng rãi hơn Mỹ rất nhiều. Điều mà người nước ngoài chưa mạnh dạn xuống tiền là do sự thiếu đồng bộ về chính sách rất lớn.
Theo thống kê của CBRE, hiện tại, người nước ngoài quan tâm tới phân khúc BĐS cao cấp tại Tp.HCM nhiều hơn Hà Nội, bởi nguồn cung tại TP. Hồ Chí Minh chủ yếu ở các quận trung tâm thành phố, còn Hà Nội là những khu vực ngoài trung tâm.
Tiềm năng từ nhà đầu tư ngoại
Ông Dương Đức Hiển, Savills Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS đón nhận nhiều siêu dự án, dự án hạng sang cao cấp với mức giá khá cao.
Thị trường đang bị “sốc giá”, nhưng ông Hiển cho rằng trước khi nhìn đến dự án siêu sang, siêu đắt thì hãy nhìn đến giá trị đất của những căn nhà phố nằm trong cùng địa bàn, cùng con phố đó.
Tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, quỹ đất các quận trung tâm đều quá khan hiếm, doanh nghiệp muốn có đất phải mua lại của tư nhân. Ông Hiển lý giải lý do giá cao là riêng số tiền mua đất đã rất lớn, chưa kể đến tiền thiết kế dự án, thi công, xây dựng, đưa vào triển khai…, dẫn đến việc nâng giá bán ra các sản phẩm khó có thể rẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng phân khúc BĐS cao cấp đang chiếm tỷ trọng khá cân bằng tại hai thành phố này, lượng hấp thụ 2 – 3 năm trở lại đây rất cao. Riêng năm 2018, tỷ lệ hấp thụ phân khúc nhà ở cao cấp của TP. Hồ Chí Minh lên tới xấp xỉ 90%, thậm chí có căn siêu cao cấp vẫn bán được. Còn tại Hà Nội, lượng hấp thụ cũng lên tới gần 70%.
Một điều dễ nhận thấy là nguồn cung BĐS cao cấp chỉ phục vụ một số đối tượng, nên theo điều tra từ các dự án, room 30% dành cho người nước ngoài đều lấp đầy ngay khi mở bán.
Ông Mathew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định trong bối cảnh tầng lớp thượng lưu tiếp tục tăng trưởng và tiếp tục củng cố nguồn cầu cho sản phẩm nhà ở cao cấp, thị trường vẫn còn dư địa cho dòng sản phẩm này. Số người siêu giàu tại Việt Nam và lượng tài sản của họ vẫn tăng trưởng liên tiếp trong vòng 5 năm qua và được dự đoán là sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Từ năm 2015, Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, tỷ lệ người sở hữu nước ngoài tại nhiều dự án cao cấp đã đạt mức giới hạn cao nhất, trong đó chủ yếu là người mua đến từ Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc. Nguồn cầu cho sản phẩm nhà ở hạng sang tại Việt Nam được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng của giới siêu giàu tại châu Á.
Một vài năm trở lại đây, phân khúc nhà ở hạng sang tại Việt Nam ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bởi mức lợi nhuận hấp dẫn. Trong bối cảnh này, số lượng các nhà đầu tư và đơn vị quản lý vận hành nước ngoài gia nhập thị trường hạng sang sẽ ngày một tăng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo Thời báo kinh doanh.vn