Với những ai xa quê, hay những vị khách du lịch lâu ngày trở lại với Bắc Ninh, sẽ không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi đột phá của vùng đất Kinh Bắc. “Thị xã đèn dầu” của những ngày xưa đã biến mất, thay vào đó là diện mạo khang trang, hiện đại của đô thị loại I. Tiếp tục với mục tiêu lớn lao hơn nữa, vùng đất Bắc Ninh đang vươn mình bằng nội lực sẵn có để phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Bắc Ninh – Vùng địa linh nhân kiệt
Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Bắc Ninh có vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ và đường không với các tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ 1A, 1B, 18, 38, đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Quảng Ninh nối liền Bắc Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của khu vực phía Bắc, cảng hàng không quốc tế Nội Bài và liên thông với hệ thống các trục đường quốc lộ đến với mọi miền trong cả nước.
Xét về mặt tài nguyên thiên nhiên, Bắc Ninh được đánh giá là không giàu có khi trữ lượng khoáng sản và tài nguyên rừng rất ít. Tuy nhiên, đây lại là mảnh đất giàu tính nhân văn. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất “mỹ tục khả phong”, “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng. Đặc biệt, làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh không những đã trở thành di sản văn hóa của cả nước mà còn vượt qua mọi không gian, thời gian đến với bạn bè quốc tế và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng là vựa lúa của Đồng bằng Bắc Bộ và là địa phương có nhiều làng nghề. Ít nơi nào có nhiều làng nghề nổi tiếng như tỉnh Bắc Ninh: Làng mộc Đồng Kỵ, gốm sứ Phù Lãng, gò đúc đồng Đại Bái, chạm khắc Phù Khê, Kim Thiều, sơn mài Đình Bảng, cày bừa Đông Xuất, giấy dó Đống Cao, dệt lụa Tam Sơn…
Sự chuyển mình ấn tượng
Năm 1997, khi mới tái lập, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của Tỉnh còn hạn chế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và một số làng nghề. Đến nay, kinh tế Bắc Ninh phát triển với tốc độ nhanh chóng và ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp là đầu tàu tăng trưởng.
Bắc Ninh có tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm 95% và là địa phương có nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội nằm trong nhóm đầu cả nước. Một số dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mình của Bắc Ninh có thể kể đến như:
Tháng 1/2006, thị xã Bắc Ninh có quyết định công nhận là thành phố Bắc Ninh (loại III) trực thuộc tỉnh. Đến tháng 6/2014, Thành phố Bắc Ninh được công nhận đô thị loại II, trực thuộc tỉnh. Đến tháng 12/2017, Thành phố Bắc Ninh được công nhận đô thị loại I, trực thuộc tỉnh.
Con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng hiện đại, văn minh, Bắc Ninh có đầy đủ cơ sở để hoàn thành mục tiêu quan trọng đó. Báo cáo của Cục thống kê, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đầy ấn tượng với chỉ số: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm (giá so sánh 2010) ước đạt 74.968 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh được ví là đầu tàu về FDI của cả nước khi thu hút tới 17,4 tỷ USD từ 30 quốc gia với 1.300 dự án.
Thời điểm hiện tại, Bắc Ninh được đánh giá là điểm đầu tư tiềm năng số một Việt Nam. Nhiều tập đoàn toàn cầu như: Samsung, Foxconn, Canon, Nokia, Pepsico… đều đang có trụ sở, nhà máy sản xuất tại đây, tạo ra nhiều điều kiện phát triển kinh tế địa phương.
Song song với việc phát triển kinh tế, Bắc Ninh cũng là “điểm vàng” bất động sản miền Bắc nói chung và ven Thủ đô Hà Nội nói riêng. Là địa phương thu hút lượng lớn các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản về làm việc tại các khu công nghiệp, chính vì vậy nhu cầu về các dịch vụ chuẩn quốc tế với tiện ích cao cấp, nhất là dịch vụ lưu trú tại Bắc Ninh luôn ở tình trạng khan hiếm. Điều này gián tiếp khiến thị trường bất động sản tại đây sôi động trở nên sôi động hơn.
Theo Tạp chí tài chính