Trong khi thị trường BĐS Mỹ đang lâm vào suy thoái thì thị trường bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có những tín hiệu hồi phục mở ra những triển vọng tốt cho thị trường trong nước.
Thị trường BĐS tại Mỹ giảm tốc
Thị trường bất động sản Mỹ rơi vào thế hiểm nghèo, doanh số bán nhà giảm sút, bất động sản thương mại giảm giá trị và người thuê bất động sản không có khả năng trả tiền thuê. Cụ thể, 4,3 triệu công dân Mỹ đã không thanh toán các khoản vay mua bất động sản hoặc tiền thuê nhà đến hạn trong tháng 5. Con số này tăng thêm 2 triệu người so với cuối tháng 3 và cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 tới nay.
Trong khi đó, thị trường bất động sản thương mại quy mô 17.000 tỷ USD của Mỹ cũng giảm sút nghiêm trọng. Thực tế, các cửa hàng bán lẻ đình trệ hoạt động trong ít nhất 13 tuần và doanh số bán hàng rơi thẳng đứng. Hiệp hội Các nhà bán lẻ bất động sản quốc gia cho biết, doanh số bán nhà có sẵn đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ qua.
Cùng với đó, giá thuê thị trường văn phòng cho thuê cũng giảm mạnh, gây tổn thất lớn với chủ đất. Các tòa nhà văn phòng sẽ giảm tới 40% giá trị, giá cho thuê ở mức rất thấp và khoảng 1/3 các khách sạn tại thành phố New York sẽ phá sản.
Việc hạn chế đi lại, mua bán bất động sản trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho số lượng hợp đồng giao dịch suy giảm. Theo nhận xét của Frederick Warburg Peters – Tổng Giám đốc điều hành của Warburg Realty: “Tùy thuộc vào sự bùng phát của dịch bệnh trong từng thời điểm, lượng hợp đồng giao dịch mới ở New York có thể giảm hơn 70% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái”.
Bất động sản Hong Kong lao đao
Mặc dù Hồng Kông được ghi nhận đã đạt kết quả tích cực trong việc kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, đại dịch vẫn tác động mạnh tới hoạt động kinh tế của thành phố này, nhất là khi trước đó, nền kinh tế đã chịu tổn thương với các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng.
Theo ông Ray Au- Giám đốc bán hàng cấp cao của Công ty bất động sản Centaline Property, nhu cầu mua nhà ở Hong Kong giảm rất mạnh so với hai năm trước. Người mua gặp một số vấn đề với các khoản thế chấp và tiền mặt.
Cùng với đó, sự vắng mặt của khách hàng Đại lục khiến giá bất động sản Hồng Kông giảm xuống, nhất là khi trong thời gian qua, nhóm khách hàng này luôn sẵn sàng trả giá cao cho các bất động sản tại đây.
Các nhà đầu tư giàu có từ Đại lục luôn giữ vai trò “thống trị” trên thị trường bất động sản hạng sang, khi chiếm tỷ trọng tới 60% tổng lượng khách nước ngoài thực hiện giao dịch trên thị trường trong 10 năm qua, theo Savills Plc. Giá bất động sản cao cấp tại Hồng Kông đã giảm trung bình 4,5% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực quanh ga West Kowloon giảm mạnh nhất (7%) bởi đây là khu được khách hàng Đại lục ưa chuộng.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid 19 nhưng theo báo cáo của CBRE, Hồng Kông tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu trong số những thị trường nhà ở đắt nhất thế giới, với mức giá trung bình là 1,25 triệu USD.
Doanh số và đầu tư bất động sản Trung Quốc trỗi dậy hậu Covid-19
Mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường JLL đã phát đi báo cáo cho thấy thị trường Trung Quốc – quốc gia ghi nhận sự khởi phát của đại dịch COVID-19 trước khi lây lan ra toàn cầu đang có những tín hiệu hồi phục sau thời gian “đóng băng” do dịch bệnh.
Theo đó, cả doanh số và đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đều tăng vọt trong tháng 5, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành này hậu Covid-19.
Đầu tư vào bất động sản tại Trung Quốc trong tháng 5 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 7% trong tháng trước, Reuters tính toán dựa trên số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 15/6.
Đáng nói hơn, giá nhà xây mới bình quân tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 0,5% so với tháng trước, theo tính toán của Reuters. So với cùng kỳ năm trước, giá nhà tháng 5 tại Trung Quốc tăng 4,9%, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 5,1% trong tháng 4.
Đối với thị trường vốn, JLL cho biết, các nhà đầu tư vẫn đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc. Trong khi dịch bệnh có thể đã hoãn một số thỏa thuận, các cuộc đàm phán khác vẫn được thúc đẩy với sự tin tưởng từ các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư ít quan tâm đến tình hình hiện tại mà chú ý hơn đến tiềm năng dài hạn của một số thành phố.
PV Tổng hợp
Theo Nhịp sống kinh tế