Nói về Nghị quyết 43-NQ/TW, về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng.
Về quá trình xây dựng Đề án và những nội dung cơ bản về quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Bộ Chính trị có giao cho Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng và các bộ, ban, ngành có liên quan, cũng như các địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tổ chức tiến hành đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trên cơ sở kết quả của Đề án, Bộ Chính trị đã họp và ngày 24/1/2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới đây.
Trong Nghị quyết cũng đã nêu rõ các quan điểm, các mục tiêu, các giải pháp mới.
Để phát triển thành phố Đà Nẵng phải xuất phát trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung và Tây Nguyên, của duyên hải miền Trung và của Bắc miền Trung. Đà Nẵng là một thành phố cảng, một thành phố biển có điều kiện tự nhiên hết sức là ưu đãi. Với vị trí như vậy có thể xác định Đà Nẵng có một vị trí địa chính trị, địa kinh tế hết sức quan trọng, là một lợi thế hết sức là lớn lao. Đà Nẵng nằm ở trên trục Bắc Nam, cũng như là hành lang Đông – Tây.
“Xác định như vậy, chúng ta phải thấy Đà Nẵng sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng. Với việc xác định như vậy, chúng ta cũng đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển” – ông Nguyễn Văn Bình nói.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, về du lịch, ngoài du lịch thông thường thì một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế.
Về công nghiệp, vì thành phố Đà Nẵng rất có lợi thế về du lịch nên để bảo đảm môi trường sinh thái thì phải tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.
Về cảng biển, Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistic.
“Từ 3 trụ cột lớn đến như vậy thì chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 làm sao xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, một trung tâm về khoa học công nghệ, một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, một trung tâm về logistic và phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một thành phố thông minh, một thành phố sinh thái, một thành phố đáng sống để đến năm 2030 tầm cỡ của Đà Nẵng không chỉ là một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là một thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung” – Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói.
Theo Đại đoàn kết