Hiện nay, giá nhà đất ở TPHCM đang ở mức cao. Thị trường BĐS đang hướng đến đối tượng là nhà đầu tư thứ cấp hơn là những người có nhu cầu thật về nhà ở. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng dạt về những khu vực mới nổi để phát triển dự án tận dụng tối đa nhu cầu của nhà đầu tư tại chỗ.
Chiến lược mở rộng thị trường của nhiều doanh nghiệp BĐS là dịch chuyển sang các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt những đô thị loại 2 ven biển – nơi đang hình thành những đô thị trung tâm với định hướng phát triển hạ tầng du lịch tốt như nâng cấp sân bay, hạ tầng giao thông, mở đường bay trong nước và quốc tế và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư – để tạo nhanh dòng tiền.
“Thị trường nào cũng có nhu cầu của riêng thị trường đó. Hiện nay, khi tình hình có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp đều đang có sự dịch chuyển mạnh về tỉnh xa, chứ không nhất thiết luôn lấy TPHCM làm trung tâm. Thực ra, nhu cầu nhà ở tại tỉnh lẻ rất lớn nếu các doanh nghiệp biết cách khai thác, cung cấp những sản phẩm giá trị thật cho khách hàng”, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT công ty bất động sản cho biết thêm.
Một nhà đầu tư khác cũng phân tích: “TP.HCM có những vị trí đẹp và không đẹp, tỉnh lẻ cũng vậy, có những vị trí không đẹp nhưng cũng có những vị trí đắc địa. Vấn đề là làm ở vị trí nào, chứ đừng phân biệt ở tỉnh lẻ hay TP.HCM. Hầu hết các sản phẩm đất nền ở tỉnh lẻ được tung ra có lượng hấp thụ cao, đạt khoảng 86%”.
Nhìn từ một khía cạnh khác, theo phân tích của ngân hàng công thương cho rằng: tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay ở mức 37,5% và dự kiến tăng lên 45% vào năm 2020. Tỷ lệ này thuộc hàng thấp so với các nước trên thế giới nhưng tốc độ đô thị hóa lại thuộc hàng cao của thế giới.
Con số này gợi mở các nhà phát triển BĐS, thay vì tập trung ở các thị trường như Hà Nội và TP.HCM – những thị trường đã tương đối bão hòa – nên chuyển sang các thị trường lân cận có nhiều cơ hội tăng tỷ lệ đô thị hóa, các doanh nghiệp đi được theo hướng này sẽ bán hàng rất tốt.
Cũng theo ông Đạt, hiện nay những địa phương như Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Phước đang là những thị trường bất động sản rất tốt. Theo quan sát, nhiều doanh nghiệp có chiến lược mới là tập trung thị trường miền Trung, có pháp lý hoàn chỉnh để có thể đưa sản phẩm ra thị trường liền.
Một nhà đầu tư khác cũng cho biết thêm: các tỉnh thành xung quanh khu vực TP.HCM trong những năm qua rất được quan tâm. Thuận lợi đầu tiên vì là đây là thị trường mới nổi, chưa được nhiều chủ đầu tư để mắt tới. Trong khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đang được đầu tư khép kín. Trong năm 2019, nhiều chủ đầu tư sẽ đưa ra thị trường các dự án tại khu vực vùng ven và đây là điểm nhấn trong thị trường bất động sản khu vực phía Nam.
Các doanh nghiệp đầu tư đang đẩy mạnh triển khai ở các thị trường tiềm năng như: Quảng Ninh, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu,…
Nhận định thêm về triển vọng thị trường tỉnh lẻ, ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc kinh doanh BĐS của một doanh nghiệp cho rằng: mật độ dân số sẽ quyết định đến giá của bất động sản. Các nhà đầu tư nên hướng đến những địa phương sẽ có đông dân trong tương lai, kết nối giao thông tốt.
Nguồn: Tổng hợp