Với chính sách ổn định, dòng vốn đầu tư rõ ràng lại được kiểm soát chặt chẽ, thị trường bất động sản tiếp tục ổn định với ba xu thế nổi bật là BĐS xanh, BĐS nghỉ dưỡng – du lịch và nhà ở – chung cư dẫn dắt thị trường.
Năm 2018, thị trường BĐS ổn định nhờ được kiểm soát chặt chẽ, dòng vốn đầu tư rõ ràng, chính sách ổn định. Trên nền tảng đó, năm 2019, thị truờng BĐS lại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tăng trưởng ổn định. Cụ thể, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,6 – 6,8%, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức 14%.
Theo nhận định của các chuyên gia Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có 3 xu thế nổi bật được dự báo sẽ định hướng tăng trưởng ngành BĐS. Đó là sự phát triển của BĐS xanh, BĐS nghỉ dưỡng – du lịch và BĐS nhà ở – chung cư.
Với BĐS xanh, hiện nay tỷ lệ các công trình đạt chứng chỉ Leed của Việt Nam chỉ chiếm số lượng rất nhỏ so với tổng số công trình đang đầu tư xây dựng. Dù vậy, với yêu cầu ngày càng cao và mức độ chịu chi cho không gian sống an toàn, thoải mái và thông minh hơn của khách hàng, BĐS xanh sẽ trở thành xu thế chính của ngành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, BĐS khu công nghiệp tiếp tục có phát triển nhờ sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực châu Á, có đường biên giới đất liền với Trung Quốc và nhiều cảng biển lớn được kết nối với các khu công nghiệp bởi hệ thống đường lớn, đường cao tốc đang được đầu tư hoàn thiện. Đây được xem là cơ hội rất tốt cho các chủ đầu tư khu công nghiệp, đặc biệt ở khu vực phía Bắc khi nhu cầu thuê từ các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG… đang tăng cao.
Với BĐS nghỉ dưỡng – du lịch, mặc dù đã hạ nhiệt so với năm trước nhưng vẫn còn dư địa phát triển. Báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, năm 2017 Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, thấp hơn rất nhiều nước như Indonesia là 12,6 tỷ USD, Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng mạnh trong năm 2018 và hai tháng đầu năm đã lập kỷ lục khi thu hút đến gần 3 triệu lượt. Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ vui chơi, thư giãn, mua sắm… chưa tương thích với tiềm năng du lịch của Việt Nam. Vì thế, các chủ đầu tư có thể tiếp tục nghiên cứu và phát triển các mô hình shophouse, condotel… theo hướng hiện đại và thân thiện hơn với khách hàng.
Cùng với BĐS nghỉ dưỡng, BĐS xanh, BĐS nhà ở – chung cư cũng đang phát triển. Theo thống kê của CIA World Factbook, trong năm 2017 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam chỉ đạt 35% nhưng tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á với mức 2,6%/năm. Cùng với đó, sự gia tăng số lượng các công nhân, kỹ sư nước ngoài làm việc tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của BĐS nhà ở – chung cư tại các thành phố lớn.
Chia sẻ kỹ hơn về ba xu hướng này, ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, hiện nay với sự chuyển dịch lao động từ nông thôn lên các nhà máy tại các đô thị, nhu cầu về nhà ở cho thị trường trung cấp và bình dân sẽ tiếp tục tăng. Căn hộ trung cấp và bình dân sẽ dẫn dắt thị trường với nhóm khách hàng có nhu cầu thực và nhu cầu rất lớn. Đây là phân khúc chủ đạo của thị trường có tính thanh khoản cao và bền vững.
Ngoài ra, các dự án căn hộ hạng sang cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài do mặt bằng giá tại Việt Nam rẻ so với các nước trong khu vực. “Song hành cùng sự phát triển của nền kinh tế trong những năm qua, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng như nhu cầu về cuộc sống tiện nghi, hiện đại, không gian sống văn minh, mô hình căn hộ chung cư đang trở thành lựa chọn hàng đầu của người mua nhà tại các đô thị lớn của Việt Nam. Đây cũng là phân khúc BĐS mà HSBC Việt Nam đang hướng đến với mong muốn đáp ứng nhu cầu nhà ở của khách hàng”, ông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.
Với đà tăng trưởng tốt của nền kinh tế, thị trường BĐS năm 2019 dự báo sẽ tiếp tục phát triển ổn định với các công cụ kiểm soát thị trường như chính sách thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư các dự án… tiếp tục phát huy hiệu quả.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của Vietnam Report cho rằng, để BĐS tăng trưởng bền vững cần nhiều giải pháp từ cơ quan quản lý. Cụ thể, phải chủ động trong chiến lược phát triển kinh tế gắn liền với chiến lược phát triển đô thị, coi chiến lược phát triển đô thị, phát triển BĐS là một bộ phận trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, phải kiên định trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhất thể hóa quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, phải có những chính sách đột phá trong việc tạo quỹ đất, nguồn vốn, chỉnh trang và phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đô thị.
Theo Doanh nhân Sài Gòn