Theo báo cáo của một đơn vị nghiên cứu bất động sản, Việt Nam có khoảng 45.650 phòng sắp gia nhập thị trường trong giai đoạn 2019-2022, vị chi trung bình có 11.400 phòng được đưa vào khai thác mỗi năm, chiếm 69% tổng nguồn cung hiện tại.
Cụ thể, Quy Nhơn có 2.250 phòng, Đà Nẵng có 12.600 phòng, Nha Trang và Cam Ranh có 17.800 phòng với tỷ lệ căn hộ khách sạn (condotel) lần lượt đạt 58-77-82% cho ba điểm đến này.
Savills chỉ ra, rổ hàng BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam vượt trội so với nhóm các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc.
Trong năm 2018, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam ghi nhận 16.800 phòng đi vào hoạt động, số liệu này chỉ bao gồm các dự án 4 và 5 sao tại 8 điểm đến: Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc, Hạ Long, Quy Nhơn. Như vậy, nếu tính cả các dự án nghỉ dưỡng 3 sao trở xuống, nguồn cung có khả năng cao hơn hiện tại rất nhiều. Hiện nay có đến 90% nguồn cung mới là các dự án tại Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam và Phú Quốc.
Theo đơn vị nghiên cứu bất động sản, có 4 xu hướng chính đang thay đổi ngành du lịch nghỉ dưỡng tại thị trường Việt Nam. Thứ nhất là công nghệ. Thứ hai là cơ sở hạ tầng, phương tiện di chuyển và sự bùng nổ của ngành hàng không. Thứ ba là thay đổi trong hành vi tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu nghỉ dưỡng tại Việt Nam tăng lên. Thứ tư là sự thay đổi nhân khẩu học đã tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch nghỉ dưỡng.
Tốc độ tăng trưởng trung bình lượt khách quốc tế (CAGR) tại Việt Nam trong một thập niên qua (2008 – 2018) đạt 13,8%, đầy ấn tượng khi lần lượt cao hơn khu vực Đông Nam Á (7,7%), châu Á Thái Bình Dương (6,4%) và thế giới (4,4%). Ngoài ra, nếu so với các thị trường du lịch phát triển khác, chỉ số CAGR của Việt Nam cũng cao hơn Campuchia (10,9%), Thái Lan (10,1%), Indonesia (9,7%), Philippines (8,5%) và Singapore (6,1%).
Trong vòng 3 năm từ năm 2015 – 2018 chỉ số CAGR của Việt Nam tăng 24,9%. Trong một thập niên, tức thời điểm 2008-2018, CAGR của Việt Nam tăng 13,8%.
Theo Nhịp sống kinh tế