Nhiều chuyên gia cho rằng về dài hạn giá bất động sản luôn đi lên theo thời gian, và đây là những lý do.
1. Dân số luôn tăng nhưng đất thì không nở ra
Tổng diện tích đất trên cả nước không thay đổi, nghĩa là theo thời gian diện tích đất không được sinh ra hoặc mở rộng thêm. Trong khi đó, con người luôn được sinh ra. Dân số tăng lên thì nhu cầu sử dụng đất đai, nhà cửa càng tăng theo thời gian. Không chỉ đất dành cho nhu cầu ở mà đất còn dùng cho phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, công trình xã hội…
Tại các đô thị lớn, tính khan hiếm của đất đai càng thể hiện rõ hơn khi mà tốc độ di dân từ các tỉnh thành đổ về ngày càng nhiều. Nhu cầu chỗ ở cho người nhập cư ngày càng lớn. Vì thế, con người luôn tăng trong khi đất đai không nở ra là lý do giá đất ngày càng đắt đỏ.
2. Là nhu cầu tất yếu của con người
Thực tế, xung quanh con người không có gì là không dính đến BĐS. Từ chỗ ở, văn phòng làm việc đến các trung tâm vui chơi giải trí, đều là bất động sản. Theo các chuyên gia, từ trước đến nay, đất đai nhà cửa vốn luôn sát cánh cùng sự phát triển của con người. Gắn liền với những nhu cầu thiết yếu của con người.
Vì thế, giá trị sử dụng của nó là bền vững theo thời gian, phục vụ những nhu cầu cần thiết của con người. Các chuyên gia cho rằng, khi thị trường chững lại, giá BĐS sẽ đứng hoặc đi xuống một thời gian nhưng sau đó sẽ lại phục hồi đi lên. Có chăng, giá BĐS chỉ giảm ở một vài khu vực và tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới khi thị trường hồi phục.
3. Tâm lý tích sản ăn sâu vào tiềm thức của người dân
Từ trước đến nay, tâm lý sở hữu nhà cửa, đất đai vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Bên cạnh các kênh như vàng, thì nhà đất trở thành kênh đầu tư lâu đời của người dân. Vô hình chung đây là kênh tích sản bền vững và tạo ra nhiều giá trị về mặt tinh thần lẫn vật chất, đa dạng nhất.
Vì là tài sản tích lũy của nhiều người nên giá trị lẫn giá cả của BĐS luôn tăng theo thời gian. Và mỗi năm giá BĐS lại ở một mặt bằng giá mới và đáp ứng đa dạng nhu cầu của người sử dụng.
Theo đa số nhận định, mỗi phân khúc BĐS trên thị trường đều có nhu cầu sử dụng ở các đối tượng khách hàng khác nhau. Và mỗi phân khúc đều là tài sản tích lũy của người mua, đặc biệt đối với loại hình BĐS liền thổ.
4. Chi phí liên quan đến đất đai ngày càng tăng cao
Thực tế, giá đất tăng còn do sự thay đổi và tích tụ của hàng loạt chi phí khác liên quan. Cụ thể đó là cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng (từ đất nông nghiệp thành đất ở). Ngay cả nhân công tăng lên, giá vật tư leo thang, vốn vay làm hạ tầng, chi phí mặt bằng ngày càng đắt đỏ cũng được cộng dồn vào giá đất.
Theo các chuyên gia, do các chi phí đầu vào hình thành nên tài sản này không ngừng đội lên nên giá đất rất khó sụt giảm về vùng đáy cũ sau mỗi cơn nóng sốt.
Theo Nhịp sống kinh tế